KTĐT - Sau khi HNX được ưu tiên cấp khoản ngân sách ngoại lệ này, Bộ Tài chính thậm chí còn tổ chức các chiến dịch có quy mô hơn với mục tiêu thu hút doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từng đề xuất khoản chi được gọi là “ngoài luồng” để tìm kiếm hàng hóa cho ngày giao dịch đầu tiên.
Trong buổi tọa đàm về 10 năm phát triển thị trường chứng khoán hôm 11/7, ông Trần Văn Dũng – Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tiết lộ thông tin thú vị: Trong quá trình chuẩn bị, lãnh đạo Sở từng đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chi một khoản ngân sách có tên gọi “kinh phí cho công tác tạo hàng”.
Trước đó, khoản mục này chưa từng nằm trong quy định chi từ ngân sách cấp cho Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (nay là HNX). Những người làm văn bản trình Ủy ban Chứng khoán gọi đùa đây là khoản kinh phí “ngoài luồng” dành riêng cho công tác tạo hàng.
Đề nghị duyệt chi 120 triệu đồng, ban lãnh đạo HNX thời điểm đó không hy vọng là sẽ được thông qua. Thế nhưng, Ủy ban Chứng khoán đã trình Bộ Tài chính và được đồng ý cấp khoản kinh phí 100 triệu đồng cho công tác vận động doanh nghiệp niêm yết.
Sau khi HNX được ưu tiên cấp khoản ngân sách ngoại lệ này, Bộ Tài chính thậm chí còn tổ chức các chiến dịch có quy mô hơn với mục tiêu thu hút doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong quá trình đi tạo hàng tại nhiều địa phương, HNX còn được sự ủng hộ đặc biệt của UBND thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
Lúc đó, ông Vũ Văn Ninh là Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài chính thuyết phục các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký giao dịch trên HNX. Đặc biệt, Hà Nội còn ra quyết định dùng tiền ngân sách hỗ trợ toàn bộ chi phí tư vấn và kinh phí kiểm toán cho những đơn vị niêm yết đầu tiên.
Ủy ban Nhân dân Hải Phòng cũng ban hành một quyết định tương tự, còn ưu đãi thêm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty đăng ký giao dịch trong vòng 2 năm kế tiếp sau khi hưởng ưu đãi theo qui định chung.
Đến ngày khai trương HNX, những nỗ lực đi kèm với khoản kinh phí “ngoài luồng” đã được đền đáp: 6 doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Trước đó, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) khai trương chỉ với 2 cổ phiếu.
Ngoài việc được cấp khoản kinh phí “ngoài luồng” để tiếp thị niêm yết, HNX còn có một câu chuyện đến thót tim về công nghệ giao dịch. Năm 2003, HNX chỉ được cấp 3,4 tỷ đồng để mua phần cứng và 850 triệu đồng để phát triển hệ thống phần mềm. Ủy ban Chứng khoán lại quyết định cho HNX tìm kiếm một đơn vị trong nước để triển khai hệ thống giao dịch. Trước đó, HOSE chọn giải pháp nhận phần mềm tài trợ của Thái Lan để việc thực hiện được nhanh và an toàn.
Khi xây dựng hệ thống, HNX lựa chọn thực hiện song song cả khớp lệnh thỏa thuận và khớp lệnh liên tục – một phương án khó khăn hơn rất nhiều so với làm theo mô hình tại HOSE. Ngặt nghèo hơn là phương án này phải được tiến hành mà không được tăng kinh phí cho phần mềm.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đôc HNX cho biết: khi trao đổi với FPT (đơn vị được chọn để xây dựng phần mềm), họ cũng hơi ngỡ ngàng bởi bài toán khớp lệnh liên tục khó hơn nhiều phương án ban đầu mà không được tăng chi phí thực hiện.
“Tôi nhớ sau mấy ngày thảo luận phải trái, anh Dương Dũng Triều – Giám đốc Trung tâm giải pháp phần mềm FPT lúc đó có gặp tôi, nghiêm nghị nói một câu ngắn gọn “Ok, FPT chấp nhận cùng Hà Nội chiến đấu vì màu cờ sắc áo”. Chúng tôi bắt tay nhau rất chặt, và giữ lâu hơn một chút so với thuờng lệ, bâng khuâng như hai người lính trước một trận chiến cam go”, vị lãnh đạo của HNX xúc động nhớ lại.
Khi đi vào giao dịch chính thức, sau một thời gian, hệ thống phần mềm do HNX cùng một công ty Việt Nam xây dựng đã chứng minh được tính ưu việt hơn hẳn so với phần mềm ngoại, cách thức giao dịch cũng tiếp cận với thông lệ quốc tế nhiều hơn. Cũng vì thế, HOSE sau này đã chuyển đổi hệ thống giao dịch từ khớp lệnh định kỳ sang khớp lệnh liên tục như hệ thống của HNX.
Nếu như trước đây, khối lượng giao dịch trong những ngày đầu mà lãnh đạo của HNX mơ ước là từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng mỗi phiên thì năm 2009 đã là 800 tỷ đồng. Số lượng công ty niêm yết tại HNX từ 6 đã tăng lên gần 300. Hệ thống phần mềm trước đây được xây dựng chỉ có 10 công ty chứng khoán và 40 công ty niêm yết giờ đã được nâng cấp nhiều lần để đáp ứng cho sự tăng trưởng mạnh của các thành viên mới và quy mô giao dịch.
Vào thời điểm hiện tại, sau 5 năm phát triển, các cán bộ của HNX không còn phải trình xin kinh phí “ngoài luồng” để đi tạo hàng bởi các doanh nghiệp giờ đã hiểu rõ tác dụng của việc niêm yết. “Chúng tôi không còn phải mở những chiến dịch “tạo hàng” nữa, mà đã trở về được với công việc truyền thống của một Sở giao dịch chứng khoán và tiếp tục hoạch định những sản phẩm mới, đề án mới cho tương lai”, ông Trần Văn Dũng tâm sự.