Rõ ràng, công nghệ truyền hình số mặt đất là xu hướng tất yếu, đã và đang được thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới. Và các đơn vị, DN trong nước cũng đang nỗ lực bắt kịp xu hướng này.
Ưu điểm vượt trội
"Truyền hình số mặt đất có ưu điểm rõ rệt với số lượng kênh chương trình nhiều hơn và chất lượng âm thanh, hình ảnh cũng tăng lên. Chẳng hạn, nếu như sử dụng tivi có tích hợp đầu thu DVB - T2, người dân có thể xem được kênh VTV3 tiêu chuẩn HD của VTV và rất nhiều kênh của VTC, AVG…" - ông Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam cho biết: Các kênh truyền hình số có độ phân giải cao, không có hiện tượng "muỗi" hay "bóng ma" như truyền hình analog. Sau khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực được thành lập và tham gia vào thị trường truyền dẫn phát sóng, người dân sẽ còn thu xem thêm được nhiều kênh truyền hình chất lượng cao.
Ngoài ra, người dân ở một tỉnh có thể xem được các kênh truyền hình của các địa phương khác trong cùng khu vực. Chẳng hạn, người dân ở tỉnh Nam Định có thể xem được 14 kênh chương trình truyền hình địa phương của các tỉnh trong khu vực Bắc Bộ...
Trung tâm kỹ thuật truyền hình số Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Anh
|
Đối với Nhà nước, số hóa truyền hình mang lại lợi ích to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội khi đảm bảo tiết kiệm năng lượng, giải phóng được một đoạn băng tần lớn, có giá trị cao để triển khai các nghiệp vụ thông tin di động thế hệ mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT và viễn thông.
Theo tính toán của các chuyên gia, cứ 10% tăng trưởng trong thông tin băng rộng thì đóng góp vào tăng trưởng GDP là 1,38 điểm phần trăm với các nước đang phát triển, còn với các nước phát triển là 1,21 điểm phần trăm.
Đã có doanh nghiệp phát sóng số khu vực
Theo Đề án số hóa truyền hình tại 5 TP trực thuộc T.Ư (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ), ngoài 3 DN phát sóng số toàn quốc đã được cấp phép là VTV, VTC và AVG, Bộ TT&TT còn cấp phép thành lập thêm 2 DN truyền dẫn phát sóng truyền hình số tại 2 khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ.
Đầu tháng 11, ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT tuyên bố, cả hai miền đã thành lập xong 2 DN phát sóng số khu vực.
Cụ thể, tại miền Bắc, Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình Đồng bằng sông Hồng được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa 4 đơn vị là: Đài PT - TH Hà Nội, Công ty TNHH MTV Hanel, Công ty CP Đầu tư Phát triển Truyền hình Hà Nội và Công ty CP Dịch vụ Truyền thanh Truyền hình Hà Nội (HCATV). Ông Phạm Quang Sơn - đại diện Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình Đồng bằng sông Hồng cho biết, Công ty sẽ triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất các kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị cho 14 đài PT - TH thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ theo đúng lộ trình đã đề ra của Đề án số hóa truyền hình. Với vốn điều lệ 30 tỷ đồng do 4 cổ đông sáng lập, Công ty cũng đã ký thỏa thuận với Đài PT - TH Hải Phòng, theo đó, Đài PT - TH Hải Phòng sẽ tham gia góp vốn và trở thành cổ đông của Công ty.
Còn ở miền Nam, công ty truyền dẫn phát sóng được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài PT - TH Vĩnh Long. Công ty này chịu trách nhiệm phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của 22 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Nam Bộ.
Việc thị trường có thêm 2 DN cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng khu vực bên cạnh 3 đơn vị truyền dẫn phát sóng toàn quốc là hết sức cần thiết để các đài PT - TH có thêm nhiều cơ hội chọn lựa nhà cung cấp, qua đó tạo nên một thị trường cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.