Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh khi thực thi TPP

Thu Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vẫn còn một số điều khoản và quan điểm thực thi pháp luật của Việt Nam chưa tương thích với cam kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về đầu tư.

Do đó, cần thiết phải có thêm nhiều tiếng nói đề xuất sửa đổi, điều chỉnh luật để vừa đảm bảo tuân thủ các cam kết, vừa góp phần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ và cân bằng được lợi ích giữa các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước.
Báo cáo Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết TPP về đầu tư do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã tương thích với phần lớn cam kết TPP về đầu tư, đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản như mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản, nhân sự cấp cao…
Chỉ riêng cam kết về việc chuyển tài sản ra nước ngoài hay quy định về thủ tục tham vấn, hòa giải khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật Việt Nam không có các quy định chi tiết như TPP. Hay như các cam kết về tước quyền sở hữu mới chỉ tương thích một phần do thiếu các quy định chi tiết về cách thức đền bù.
Góp ý về nội dung này, ông Phạm Mạnh Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT nhận định, hệ thống pháp luật cần được rà soát tập trung vào nguyên tắc mở cửa thị trường liên quan tới DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sở hữu trí tuệ, công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài… Điều này cũng là yêu cầu tự thân của quá trình hoàn thiện pháp luật.
“Hãy ứng xử với các DN trong nước bình đẳng như với DN FDI” – ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam lên tiếng. Cũng theo ông Sưa, thời điểm năm 1995, khi Luật Đầu tư mới được ban hành, hầu hết các DN ngành thép đều là quy mô nhỏ nên Nhà nước mở cửa đón các DN nước ngoài tầm cỡ để phát triển ngành công nghiệp trong nước và dành cho các NĐT này rất nhiều ưu đãi về thuế, đất đai… Nhưng đến nay, sau nhiều năm phát triển, các DN trong nước đã tích lũy được kinh nghiệm, vốn, đủ sức nhận những dự án quy mô lớn thì Nhà nước cần thay đổi cách ứng xử. Đồng thời đề xuất, nên chăng trong một số lĩnh vực đặc thù quan trọng như ngành thép, Nhà nước cần có những chính sách đảm bảo đối xử công bằng giữa các NĐT, sàng lọc NĐT bằng hàng rào kỹ thuật,                         công nghệ…
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) nhấn mạnh: “Việt Nam đã ký cam kết TPP thì không thể có ngoại lệ ưu ái DN trong nước, mà chỉ có thể đảm bảo không phân biệt đối xử giữa các NĐT. Tuy nhiên, chúng ta có nên cải cách hệ thống pháp luật, thông lệ, quy định… đối với NĐT trong nước lên mức mà NĐT TPP được hưởng hay không, chính các nhà đầu tư trong nước cần lên tiếng kiến nghị. Điều này giúp trong quá trình sửa đổi luật không chỉ bảo đảm DN trong nước được hưởng quyền lợi như các NĐT nước ngoài, mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh khi TPP được thực thi.