Thường là anh, ông bạn vong niên “phôn” tới: Tối nay đến mình nhé! Cũng có khi là con cháu đầu lòng của anh chị đến bảo: Bố cháu mời chú tối nay đến thưởng đào!
Mời vậy, nghĩa là anh đã chọn được cành đào muộn ưng ý, muốn chia sẻ cùng bè bạn niềm vui nho nhỏ đầu Xuân.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Được anh gọi thường là mấy anh em thật thân. Quý và trọng nhau đã đành, còn hợp nhau cả nết chơi, nết uống. Lẽ thường, có cành đào, chậu quất, người ta hay trưng ở phòng khách. Nhưng cành đào muộn của anh bạn tôi bao giờ cũng được cắm trong chiếc bình gốm mộc trên căn gác áp mái, nơi nghỉ, nơi viết của anh. Vào những dịp như thế, anh một mình đợi khách với chai rượu thật ngon. Không phải Cônhắc, Uytki mác ngoại. Càng không phải rượu Vân toàn sắn. Đó là chai nếp cái hoa vàng nhà cất, bà thím gửi từ quê, dành cho dịp này. Bên cành đào muộn nhuần nhị sắc Xuân, không khí đơn sơ mà ấm cúng. Chuyện đời, chuyện nghề. Cũng có lúc chẳng cần trò chuyện, chỉ lặng lẽ ngắm hoa, thưởng rượu, thưởng luôn cả cái thú được ở bên bầu bạn tâm giao. Trong những cuộc rượu thưởng đào ấy, chủ nhân chỉ rót mời ở tuần thứ nhất, sau đó ai uống sao tùy ý. Chẳng hề có cảnh rượu rót tràn ly, ép nhau cạn chén. Lạ một điều, những lúc như thế mấy anh em đều uống rất được, rất “ vào” mà chẳng hề say…
Chơi đào muộn, như tôi được biết, không chỉ riêng anh bạn tôi. Hà Nội khá nhiều người bén duyên cái thú này. Có lắm nhẽ để người ta chơi đào muộn. Có người trong năm có tang, ngày Tết chẳng tiện cắm đào. Ra Giêng tìm cành đào đẹp chơi cho đỡ nhớ. Cũng có người kĩ tính, đi chợ hoa Tết vài ba bận mà chẳng kén được cành đào ưng ý, không thể gò ép theo kiểu chơi lấy được, để dành cái hứng, sau tết mới chơi. Lại có người ví mỏng, chẳng đua nổi thiên hạ nhưng chót “có mắt”, sau Tết thấy đào rẻ lại đẹp thì chơi…Bạn tôi chơi đào muộn với triết lý đơn giản. Anh bảo, ngày Tết ai cũng hối hả. Ăn lấy được, uống lấy được, đi lấy được… làm sao có cái tâm tĩnh mà dành cho hoa. Có nhà cố sắm được gốc đào đẹp, mấy ngày Tết đóng cửa im ỉm, vợ chồng con cái đi suốt. Chơi như vậy quá bằng phụ hoa. Ra Giêng ngày rộng tháng dài, có thời gian và tâm thế mà thưởng mà ngắm, ấy mới là lúc chơi hoa vậy.
Có một nhẽ rất quan trọng tạo ra cái nhã thú này của người Hà Nội: Đào muộn, nhất là đào phai, thường phải sau Tết mới thực đẹp. Ấy là lúc đất trời Hà Nội đã thực sự vào Xuân. Mưa bụi và gió ấm thúc các gốc đào bung chồi, nảy lộc. Khác với những cành bích đào dịp Tết, xum xuê, tròn đủ na ná giống nhau, đào phai nở muộn đẹp một cách tự nhiên. Cũng hoa, cũng lá, cũng nụ… mà mỗi cành một vẻ, không cành nào giống cành nào. Dù một căn phòng đơn sơ, một gác xép chật chội, có nhành đào phai là có thiên nhiên, có mùa Xuân.
Ít năm lại đây, cùng với sự sung túc hẳn lên về kinh tế, cái sự chơi đào Tết phát triển đa dạng, phong phú hẳn lên. Đào cành truyền thống, đào cây, đào thế… ùa vào phòng khách các gia đình Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Mới mẻ nhất và thời thượng nhất có lẽ là trào lưu chơi đào rừng. Quãng qua Rằm tháng Chạp, đào rừng đã lại ùn ùn chảy về Hà Nội trên những chuyến xe tải, trên nóc các xe khách, cả trên mui những chiếc xe con biển xanh, biển trắng. Dù đào rừng cũng có nét đẹp tự nhiên, tươi lâu, có cành chơi được tới Rằm tháng Giêng… nhưng người Hà Nội vẫn không bỏ cái thú chơi đào muộn. Cữ ngoài Mùng 5 đến Rằm, dọc đê Nghi Tàm lên mạn chợ hoa Quảng Bá… những cành đào muộn lại tưng bừng khoe sắc, mời gọi người yêu hoa.
Chơi đào muộn chỉ là một trong nhiều cái thú của người Hà Nội. Chẳng thể nói cái thú nào thanh nhã hơn cái thú nào. Nhưng nhất định đây quả là cái thú riêng của những người thực sự yêu hoa!