Không chỉ là một cuộc thi viết…
Việc nâng tầm cuộc thi thành Chương trình truyền thông đã thể hiện sự hiệu quả và những mục tiêu đúng hướng của chương trình hợp tác 3 bên giai đoạn 2023 - 2027. Qua 4 mùa tổ chức, Ban Tổ chức đã nhận hơn 1.600 bài viết của các tác giả chuyên và không chuyên đại diện cho các vùng miền trong cả nước tham dự cuộc thi; có 30 sản phẩm báo chí số tập trung nội dung phổ biến tìm hiểu pháp luật trên chuyên trang Pháp luật & Xã hội (thuộc Báo Kinh tế & Đô thị). Đặc biệt, chương trình đã góp phần đa dạng các loại hình báo chí tham gia, từ báo hình, báo viết, báo nói, tăng cường các bài viết thể loại theo loại hình truyền thông công nghệ như: Podcast, emagazine… từng bước thực hiện nguồn báo chí dữ liệu về các vấn đề an sinh xã hội.
Ban tổ chức cũng đã tổ chức được hơn 10 sự kiện truyền thông qua các năm, từ tọa đàm chuyên đề, khảo sát thực tế tại làng nghề và nơi ở của công nhân tại khu công nghiệp, tổ chức tư vấn pháp luật tại chỗ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tư vấn pháp luật bằng hình thức podcast, mở ra sân thi sản xuất podcast về đề tài an sinh xã hội cho sinh viên báo chí...
Riêng năm 2024, trong hơn 8 tháng triển khai, Ban tổ chức đã thực hiện 6 hoạt động truyền thông, tổ chức 2 cuộc thi gồm: cuộc thi Những cống hiến thầm lặng cho tác giả chuyên nghiệp và không chuyên; sân chơi bầu chọn tác phẩm podcast xuất sắc về đề tài an sinh xã hội cho sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Ban tổ chức cũng đã tổ chức 2 chuyến đi thực tế tại làng nghề, cơ sở công nghiệp, vùng sâu, vùng xa cho các nhà báo để tìm hiểu vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng môi trường làng nghề. Cùng với đó, tổ chức 8 tọa đàm chuyên môn theo từng chủ đề như: Mức lương đủ sống – Góc nhìn đa chiều, Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân, Quyền làm việc của người khuyết tật: Từ chính sách đến cuộc sống… Đã cho thấy những hiệu quả ấn tượng của một Chương trình truyền thông.
Hôm nay (ngày 3/12), Lễ tổng kết chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức diễn ra tại Hội trường C Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thu hút nhiều tác giảkhông chuyên
Một trong những nội dung mới năm 2024 là lần đầu tiên Ban tổ chức đã chia tách 2 hệ thống giải thưởng dành cho tác giả chuyên nghiệp và không chuyên. Năm nay Ban tổ chức đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của sinh viên đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặc biệt là Viện Báo chí và Truyền thông (thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng và phát động riêng cho sinh viên để tham gia cuộc thi. Trong số 651 tác phẩm dự thi của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên, Ban Tổ chức nhận được 137 tác phẩm không chuyên. Các bài viết của các tác giả không chuyên nghiệp được đăng tải đa dạng trên các nền tảng như tiktok, facebook, youtube và các diễn đàn. Đặc biệt, các tác giả không chuyên năm nay rất nhiều cây viết trẻ đến từ các trường đại học như: Đại học Văn hóa, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, với chủ đề khá hẹp có tính chuyên môn cao, đi sâu vào vấn đề việc làm, an sinh xã hội cho người lao động, cuộc thi là một trong những giải thưởng khó để có được những tác phẩm báo chí chuyên sâu và chất lượng. Nhưng rất mừng vì năm nay đã có 514 tác phẩm dự thi chuyên nghiệp. Chất lượng các bài viết được đầu tư kỹ lưỡng, các tác giả đã chú tâm vào những đối tượng yếu thế, lao động nữ. Các chân dung cho thấy giới nữ đã có những nỗ lực rất lớn để vượt qua chính mình, thực hiện quyền lao động của mình... Điểm sáng là có những bài viết phân tích sâu mang tính phản biện chính sách. “Tôi kỳ vọng rằng sẽ có nhiều tác phẩm báo chí mang tính phản biện và giải pháp mang tính sắc sảo, đa chiều hơn, thông qua đó có những gợi ý để điều chỉnh chính sách đem lại những lợi ích lớn hơn cho người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế” – PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng nói.
Đối với sân thi dành cho tác giả không chuyên, Ban Giám khảo cuộc thi cũng đã chấm chọn ra được 12 tác phẩm lọt vòng chung khảo để trao giải cho 7 tác giả/nhóm tác giả (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích). Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải thưởng phụ cho 1 tập thể tích cực tham gia cuộc thi và 5 giải các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 lên tới 225 triệu đồng, tăng 6 giải và 30 triệu đồng tiền giải so với năm 2023.
Hướng đến những mục tiêu dài hạn
Để tiếp nối những thành công của Chương trình, nhằm tạo một sân chơi uy tín nhưng cũng rất đặc thù, chuyên biệt cho các vấn đề chăm lo an sinh xã hội của người lao động, Ban tổ chức dự kiến phát triển Dự án Nâng cao hiệu quả Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” giai đoạn 2025- 2027.
Theo Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi, từ Cuộc thi nâng lên thành Chương trình truyền thông đã cho thấy sức hút của “Những cống hiến thầm lặng”. “Đối với dự án nếu được thông qua, chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức Giải báo chí, dự kiến sẽ có sự lan tỏa và tác động rộng rãi đến cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cử phóng viên xuống cơ sở để tổ chức các cuộc tọa đàm phổ biến chính sách đến những người yếu thế, đặc biệt là những lao động khuyết tật, làm sao để họ vươn lên, đóng góp tích cực cho xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông để tổ chức cho sinh viên có cơ hội tham gia sáng tạo các tác phẩm báo chí…” – ông Nguyễn Thành Lợi nói đồng thời khẳng định, đội ngũ những người làm báo Kinh tế & Đô thị đủ năng lực để triển khai phát triển dự án này thành công trong giai đoạn tới.
Dự án cũng nhằm tuyên truyền những gương điển hình, tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội, làm công tác chăm lo cho đối tượng yếu thế; những người có tấm lòng thiện nguyện, chung tay góp sức chăm lo hỗ trợ, giúp đỡ cho người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn... “Thông qua việc tổ chức các sự kiện truyền thông, cuộc thi để tạo sự lan tỏa tới toàn xã hội nhằm nhân rộng các mô hình điển hình; tạo hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng, giữ gìn và nâng cao đạo đức xã hội. Từ đó, Ban tổ chức kỳ vọng xây dựng và phát triển mạng lưới các nhà báo, sinh viên các trường đại học tham gia vào các hoạt động, sự kiện về công tác an sinh xã hội tại các tỉnh, TP trên cả nước” - Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Sau 2 vòng chung khảo và sơ khảo, Ban Giám khảo cuộc thi “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 đã lựa chọn được 22 tác phẩm chất lượng, đáp ứng những yêu cầu của cuộc thi vào vòng chung khảo để trao giải cho 12 tác giả/nhóm tác giả (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba, 10 giải Khuyến khích). Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải thưởng phụ cho 1 tập thể tích cực tham gia cuộc thi và 10 giải các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo.