Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với 13 xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) là địa phương được ưu tiên đầu tư, nhất là về đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng. Dù vậy, bài toán thu nhập vẫn đang là trăn trở của nhiều hộ đồng bào nơi đây.

Sản xuất còn nhiều khó khăn

Đông Xuân là một trong 14 xã vùng đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn. Sau khi Kế hoạch số 166 của TP về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi Thủ đô” được triển khai rộng khắp, diện mạo của mảnh đất vùng đồi núi này đã có nhiều đổi thay. Dọc tuyến tỉnh lộ 446, những ngôi nhà kiên cố 2 - 3 tầng mọc lên ngày một nhiều. Toàn bộ 9 thôn trên địa bàn xã đã có nhà văn hóa. Hiện có 2/3 cơ sở giáo dục thuộc xã Đông Xuân quản lý đạt chuẩn. 100% hộ dân đã có điện lưới để sử dụng. Xã cũng đã đạt chuẩn quốc gia về y tế từ cuối năm 2015…
 Đồng bào dân tộc xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm hàng mã tăng thêm thu nhập.
Việc cơ sở hạ tầng được nâng cấp ngày một đồng bộ là niềm vui lớn, nhưng đối với nhiều hộ đồng bào dân tộc miền núi nơi đây, nguồn sinh kế lại đang trở thành nỗi lo thường trực. Ông Phan Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Đông Xuân bộc bạch, do nằm ở vùng đồi núi nên công tác dồn điền đổi thửa của địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân hiện vẫn sở hữu tới 5 - 6 thửa ruộng bậc thang. Do địa hình chia cắt nên một số thôn như Đồng Bồ, Đá Thâm, Đồng Âm còn tình trạng thiếu nước sản xuất. Ngoài nông nghiệp, thu nhập của các hộ chủ yếu đến từ làm công tại 6 DN sản xuất công nghiệp hoạt động trên địa bàn. Điều này khiến ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở NN&PTNT Hà Nội) băn khoăn: Nếu không có nguồn sinh kế bền vững, khi các DN làm ăn thua lỗ, hoặc di chuyển tới một địa điểm sản xuất mới, người lao động địa phương sẽ trông vào nguồn thu nào?

Đồng bộ các giải pháp

Liên quan tới bài toán nguồn nước cho canh tác nông nghiệp, ông Phan Văn Phú cho biết: Thời gian qua, một số hồ chứa trên địa bàn đã được đầu tư nạo vét, kè cứng nhằm tăng cường khả năng trữ nước phục vụ sản xuất. Hiện, dự án cải tạo, nâng cấp hồ Đồng Bồ cũng đang được tập trung triển khai. Đây sẽ là tiền đề giúp giải bài toán thiếu hụt nguồn nước sản xuất cho các hộ. Theo ông Cương, để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc trên địa bàn, xã Đông Xuân cần tập trung phát triển và nâng cao vai trò của các HTX. Tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi, thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo hộ cá thể như hiện nay, nhằm tăng giá trị ngành hàng nông nghiệp.

Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 166 của TP về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô”, nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề (dệt may, đan lát, chăn nuôi…) cho lao động vùng đồng bào dân tộc xã Đông Xuân nói riêng, vùng dân tộc miền núi của Hà Nội nói chung đã được triển khai. Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội đánh giá, các chương trình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong việc tạo ra nguồn sinh kế cho đồng bào. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác đào tạo nghề, các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức, DN, nhằm tạo điều kiện tiếp cận việc làm thuận lợi và nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng dân tộc.