Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo sức bật cho nông nghiệp hữu cơ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hướng phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện nhằm tạo sản phẩm an toàn, giá trị cao, hài hòa môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để nhân rộng và phát triển các mô hình NNHC, TP cần có thêm chính sách tiếp sức cho mô hình nhiều tiềm năng rộng mở này.

Những nút thắt

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích DN và người dân tham gia sản xuất hữu cơ. Theo đó, Sở NN&PTNT đã ban hành 10 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ cho một số loại rau chính, trên nguyên tắc không sử dụng chất hóa học tổng hợp, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, các vật liệu biến đổi gene. Đồng thời, tích cực triển khai các xây dựng các mô hình rau, lúa, cây ăn quả hữu cơ. Các mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, an toàn cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Mặc dù các mô hình NNHC có nhiều lợi thế nhưng việc phát triển vẫn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân do chi phí cho sản xuất NNHC cao gấp 5 - 6 lần so với các phương pháp thông thường, sản lượng không cao, giá cả chưa tương xứng. Trong khi đó, khâu tiêu thụ trên thị trường có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Đáng nói, ngoài một số ít DN lớn đầu tư vào NNHC thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất hữu cơ.

 Mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất)

Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu chia sẻ, sản phẩm rau hữu cơ của xã Thanh Xuân được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, hiện việc mở rộng diện tích canh tác rất khó khăn vì quy trình sản xuất khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Chưa kể đầu tư cho sản xuất tương đối lớn (hệ thống giếng, đường ống dẫn nước, đường điện, nhà sơ chế...), trong khi chính sách của Nhà nước chưa đủ sức hấp dẫn DN, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này.

Cần chính sách đủ mạnh

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, do yêu cầu thị trường về chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường bền vững, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chuyển sang sản xuất theo hướng nông nghiệp giá trị cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Theo đó, ngày càng có nhiều DN, hợp tác xã, hộ gia đình áp dụng công nghệ sản xuất mới, vận động nông dân tham gia như: Trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) với thương hiệu rau hữu cơ Đại Ngàn, Trang trại Cuối Quý với thương hiệu rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Đan Phượng)...

Ngoài ra, nông dân thuộc xã miền núi của các huyện: Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức... cũng được ngành nông nghiệp hỗ trợ cải tạo vườn tạp gắn với phát triển theo hướng hữu cơ với sản phẩm chủ yếu là cây dược liệu, rau bản địa, gà thả vườn...

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, mô hình sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ đang ngày càng nở rộ tại các địa phương. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm mà còn giúp nông dân ngày càng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái. Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ thực sự là hướng phát triển tích cực mà ngành nông nghiệp cần được TP quan tâm, hỗ trợ mạnh hơn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, bên cạnh những cơ chế hỗ trợ về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hà Nội đang tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất NNHC với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn theo quy định, sản phẩm sản xuất ra được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về NNHC. Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển thị trường, Sở đã tham mưu TP đã tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm bảo đảm đầu ra cho NNHC phát triển ổn định.

Hà Nội nên quy hoạch quỹ đất đủ lớn ở những nơi đủ điều kiện để sản xuất NNHC và thu hút DN vào đầu tư. Cùng với đó là chính sách giảm thuế, miễn thuế có thời hạn đối với các DN, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm NNHC. 

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch