Tuy nhiên, ghi nhận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ DN tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn tiếp tục đòi hỏi nỗ lực từ các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng...
Nhiều kiến nghị được giải quyết
Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng DN gửi lên Thủ tướng Chính phủ được tóm lược thành 8 nhóm vấn đề. Trong số này, những kiến nghị về thuế, phí và tín dụng, Chính phủ có thể xem xét giải quyết được ngay.
Thực tế thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, đồng thời các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay. Lãi suất đã xuống tương đối thấp trong tương quan với mức lạm phát kỳ
vọng. Tuy nhiên, do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo, nên theo phản ánh của bà Phạm Thị Hồng Thái - Chủ tịch Hội DN tỉnh Nghệ An, còn nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. Do đó, các DN kiến nghị, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, cần thực hiện những hình thức cho vay mới như: Cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng; phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các cấp; mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất, kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp…
Đối với chính sách tài khóa, thực hiện phương châm "khoan sức" cho DN, tạo điều kiện cho DN có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2 - 3 năm, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập DN xuống 20% với DN lớn và 18% với DN nhỏ và vừa. Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng; rà soát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, chuyển một số loại phí sang thực hiện theo chế độ giá dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí trái quy định, giảm gánh nặng cho người dân và DN, tiến tới xây dựng Luật Phí và lệ phí thống nhất.
Cam kết tạo môi trường kinh doanh ổn định
Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, chính sách tiền tệ, tỷ
giá từ nay đến cuối năm sẽ chắc chắn ổn định để các DN có thể yên tâm xây dựng các phương án kinh doanh. Về lãi suất cho vay, NHNN sẽ tiếp tục cố gắng giảm từ 1 - 2%/năm trong thời gian tới đối với lãi suất cho vay ở các loại kỳ hạn. Chia sẻ trước việc nhiều DN mong muốn NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay để các DN gặp thuận lợi trong kinh doanh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc giảm lãi suất cho vay phải được tiến hành rất thận trọng bởi ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản trong toàn hệ thống. Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích: "Đến nay, chúng ta đã có một mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều so với 2 năm trước đây. Tuy nhiên, do ngân hàng vay tiền của người gửi phải trả lãi suất, nên nếu có giảm cũng phải thận trọng vì rủi ro thanh khoản của hệ thống".
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định: "Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh". Thủ tướng cũng đề nghị các DN phải hết sức nỗ lực vươn lên, trong đó cần đặc biệt lưu ý tái cơ cấu trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn, chi phí thấp hơn, sức cạnh tranh cao hơn.
Thủ tướng cũng cho biết, sau Hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ chuyển tất cả các kiến nghị của cộng đồng DN đến từng bộ, ngành liên quan để xử lý. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao xem xét xử lý, trả lời tất cả các kiến nghị của DN trên tinh thần cầu thị, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
|
Đề nghị NHNN cho mở rộng thêm các điểm kinh doanh vàng miếng, nhất là ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa để người dân có thể tiếp cận được dịch vụ mua, bán vàng miếng một cách thuận lợi; xem xét cho DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định. Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam |
Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm tập trung hoàn thiện thể chế thị trường, xây dựng cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính; yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát lại các thủ tục thanh tra, kiểm tra nhằm cắt giảm tối đa phiền hà, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |