Tập đoàn Phương Bắc hiến kế xử lý công trình xây dựng sai phép

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi - Phương Bắc là đơn vị đã thực hiện theo Chỉ thị của Thành ủy, UBND TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ cắt ngọn giai đoạn 1 (tầng 19) nhà sai phép số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội (Nhà 8B Lê Trực được cấp phép xây dựng 18 tầng, đã tự ý xây dựng 19 tầng).

Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng ý kiến hiến kế của Tập đoàn Phương Bắc liên quan đến xử lý vi phạm trật tự xây dựng (TTXD): 

Tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Công Hùng

...“Trong quá trình đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm TTXD đô thị từ tháng 9/2006, Phương Bắc đã được TP Hà Nội giao cắt ngọn từ tầng 9 đến tầng 12 công trình sai phép tại số 221, 223 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Mới đây, sau một thời gian, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền TP Hà Nội và T.Ư, Tập đoàn Phương Bắc vừa hoàn thành nhiệm vụ cắt ngọn xong giai đoạn 1 (tầng 19) công trình sai phép tại số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Ngoài ra, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin hàng loạt các công trình sai phạm trên cả nước. Nhiều công trình sai phạm rất nghiêm trọng đến nay vẫn chưa xử lý được. Chúng tôi có thể thấy vi phạm TTXD vẫn tiếp tục diễn ra, việc cắt ngọn công trình rõ ràng không đử sức răn đe và vi phạm ngày càng trầm trọng hơn khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, các công trình sai phép thường tập trung ở một số TP lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bởi nơi đây được ví là “tấc đất tấc vàng”. Tại đây, các công trình được xây mỗi ngày nhưng chỉ những công trình được phát hiện sai phạm mới bị xử lý, còn vô số các công trình sai phạm không bị phát hiện thì vẫn ngang nhiên xây dựng. Có một nghịch lý là lợi ích mang lại từ việc xây dựng công trình sai phép là rất lớn nhưng mức xử phạt hành chính đối với hành vi này là rất thấp nên người dân, chủ đầu tư thường phớt lờ sự quản lý của chính quyền. Đến khi chính quyền phát hiện, xử lý các công trình sai phép bằng biện pháp cắt ngọn kéo theo những hệ lụy như lãng phí tài sản xã hội, nguy cơ mất an toàn, mỹ quan đô thị gây nhức nhối trong dư luận Nhân dân và các cấp chính quyền.
Trước đây, Bộ Xây dựng đã sửa đổi hành lang pháp lý, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, những quy định xử phạt vẫn còn rất nhẹ, không đủ sức răn đe. Để có giải pháp tổng thể, Nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy định mới, đưa ra chế tài xử phạt đủ nặng, đủ sức răn đe.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy định mới, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước, để phát hiện tất cả các công trình sai phạm. Trước khi có quy định mới, tất cả các phần sai phép của các công trình sai phép, chủ đầu tư phải nộp cho ngân sách theo giá bất động sản trên thị trường hoặc đơn giá Nhà nước những diện tích sai phép. Như vậy, ngân sách sẽ thu được số tiền rất lớn, thay cho việc cắt ngọn rất lãng phí tài sản xã hội.
Mặt khác, các công trình xây dựng sai phép thường sai từ gốc sai lên, nếu xử lý triệt để sai phạm thì hầu như phải phá bỏ cả tòa nhà. Nên việc xử lý triệt để sai phạm gần như là bất khả kháng. Do vậy, có thể nói, việc cắt ngọn các công trình sai phép chỉ giải quyết được phần “ngọn” của vấn đề. Trên thực tế, các công trình sai phép này đang bị cắt ngọn, các công trình sai phép khác vẫn tiếp tục mọc lên hiên ngang. Chúng tôi nhận thấy, cắt ngọn công trình cứ tiếp tục triển khai sẽ không có hồi kết trong vi phạm TTXD.
Do vậy, chúng tôi đề nghị quy định mới phải đủ sức nặng, đủ sức răn đe với cả những cán bộ quản lý và những người vi phạm. Cụ thể, nếu phát hiện công trình xây dựng sai phép thì đối với chủ công trình sai phép theo quy định mới phải xử phạt thật nặng. Đối với các cán bộ quản lý để xảy ra sai phạm phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất.
Căn cứ theo quy định mới, có quan điểm cho rằng có nên không việc phá bỏ hoàn toàn các công trình sai phạm để nhằm răn đe cho các chủ đầu tư đang có ý định xây dựng công trình sai phép. Phát biểu trên báo chí, PGS.TS Trần Chủng – Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc cắt ngọn công trình chắc chắn ảnh hưởng đến kết cấu. Ông Chủng ví von, tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân, chặt tay. Theo ông Chủng, các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình, thường chỉ xóa bỏ hoàn toàn bằng máy móc, thiết bị hiện đại hoặc cho nổ mìn. Việc xóa bỏ hoàn toàn công trình xây dựng sai phép sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những chủ đầu tư, người dân có hành vi trái quy định pháp luật...”.
KTS Uông Đình Minh -Chuyên gia thiết kế đô thị: Kiên quyết xử phạt
Thời gian vừa qua, do năng lực quản lý, thực trạng từ các quy định về định hướng phát triển không gian, chúng ta đã có một số công trình cao tầng sai phạm. Trong đó, phân loại ra từng mức độ sai phạm nhất định. Có những công trình ở vị trí được xác định chung là cao tầng có sai phạm tầng cao đã được xem xét các yếu tố lịch sử và xử phạt thích hợp trên cơ sở không gian chung. Riêng những công trình ở vị trí nhạy cảm và đặc biệt nghiêm trọng như tòa nhà số 8B Lê Trực thì phải kiên quyết thực hiện xử phạt. Tuy nhiên, việc cắt ngọn sai phạm chỉ giải quyết được “bề nổi”. Thậm chí, việc cắt ngọn hầu như không giải quyết được căn nguyên vấn đề. Do đó, tại một số công trình sai phạm không bắt phá hết những tầng cao vượt tầng nếu giữa cấp phép và không gian khống chế còn có khoảng cách. Trường hợp này, cần thiết phải xử phạt hành chính thật nặng trên khung quy định riêng đặc thù để đủ sức răn đe. (Gia Tuấn ghi)

Cần có cơ sở khoa học vững chắc mới phá dỡ

Công trình 8B Lê Trực gây bức xúc trong dư luận bởi sai phạm đặc biệt về cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Theo quan điểm cá nhân của tôi, về chuyên môn, việc lập phương án phá dỡ phần chiều ngang nhô ra phải do đơn vị thiết kế công trình đó đảm nhiệm. Đồng thời, thực hiện dưới sự giám sát, kiểm tra của Cục Giám định Nhà Nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng không thể đứng ngoài cuộc vì lực lượng của Hà Nội là không đủ. Cũng không thể đấu thầu để xử lý vấn đề này.

Thực tế, việc giải quyết tận gốc 8B Lê Trực chủ yếu đang duy trì thượng tôn pháp luật, chứ chưa có hội thảo hoặc tọa đàm nào làm kỹ sai phạm này ảnh hưởng đến quy hoạch ra sao? Bởi, ảnh hưởng đến quy hoạch nhiều nhất là chiều cao chứ không phải chiều ngang: giật cấp hay không giật cấp. Trong khi đó, sai phạm về chiều cao đã tiến hành xử lý cắt ngọn tòa nhà ở giai đoạn 1. Hiện, bước sang giai đoạn 2 (phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà) nhưng cũng chưa có cơ sở khoa học vững vàng nào để nói rằng phải cắt nó đi. Thậm chí, việc phá dỡ phần giật cấp của toà nhà cũng rất khó khăn khi phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Đặc biệt, có thể ảnh hưởng đến sự an toàn cho cả đơn vị đang thi công và người dân nếu tiến hành phá dỡ.

Trong điều kiện cần đặt lên bàn cân, phải lấy tính mạng và sự an toàn của người dân là trên hết. Trường hợp này, chúng ta nên đưa ra phương án phạt chủ đầu tư phần xây dựng giật cấp sai phạm khi phân tích thấu đáo “kết cấu công trình không chịu được việc phá dỡ”. Và lấy tiền phạt đó đưa vào công quỹ, tái thiết lại công việc cho TP sẽ có ích hơn. Đừng cố gắng thực thi pháp luật một cách cứng nhắc trong khi tồn tại này là cả một bài học về quá trình buông lỏng quản lý xây dựng từ nhiều năm trước. (Đức Dinh ghi)