Theo ông Peter Kennedy, Chủ tịch Hubert Burda Media khu vực châu Á, sau 8 tháng tìm hiểu, tới năm 2015, tập đoàn này quyết định đầu tư vào Cốc Cốc và hài lòng với khoản đầu tư này khi trình duyệt Cốc Cốc đã và đang phát triển rất tốt.
Thống kê của Statcounter cho thấy, tới tháng Chín, Cốc Cốc đang là trình duyệt có lượng người dùng thứ hai tại Việt Nam với 26,62%. Xếp trên đó là Chrome với 58,74% và phía sau lần lượt là Firefox 7,75%, Safari 2,38%, Internet Explorer 2,24% và Opera với 0,96%.
Trả lời phóng viên VietnamPlus, ông Peter Kennedy cũng cho rằng, Việt Nam là một nơi đầu tư hấp dẫn với cộng đồng online mạnh. Các start-up mà đơn vị này muốn hợp tác chính là cung cấp dịch vụ trên Internet. Tuy nhiên, một trong những điều kiện mà Hubert Burda Media đưa ra chính là đối tác phải đạt doanh thu 1 triệu USD mỗi năm.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thanh (đồng sáng lập Cốc Cốc) cho biết, hiện tại đơn vị này có hơn 20 triệu người đang sử dụng ứng dụng Cốc Cốc. Nhà phát triển này cũng đã đưa vào trình duyệt những tính năng hữu ích nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng như tự động sửa lỗi chính tả, từ điển, tốc độ download nhanh (có thể tải file mp3 từ video), gợi ý mua sắm…
Ông Thanh cũng cho biết, Cốc Cốc chiếm 20% thị phần quảng cáo online ở Việt Nam, sau Google và Facebook. Tới đầu năm nay, đơn vị này đã đạt tới điểm hòa vốn. Bên cạnh một sản phẩm sẽ được ra mắt vào đầu năm 2018, mục tiêu của Cốc Cốc chính là củng cố vững chắc vị trí cho trình duyệt của mình tại thị trường trong nước.