Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp. Ảnh Anh Quý |
Đến năm 2020: Hà Nội phấn đấu tổ chức hội chợ sách tầm khu vực
Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra bàn là về nội dung Dự thảo Kế hoạch phát triển văn hóa đọc và hoạt động xuất bản tại TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự thảo này do Sở TT&TT TP chủ trì soạn thảo.
Một trong những mục tiêu chủ yếu được Dự thảo đặt ra là khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học đối với đối tượng học sinh, sinh viên và người học khác là 80%; người dân ở khu vực nông thôn, vùng có điều kiện khó khăn là từ 15% - 25%.
Bên cạnh đó, các mục tiêu khác như: 40% - 50% người dân có kỹ năng đọc, 85% người sử dụng thư viện, 1 bản sách/người dân... Đáng chú ý, hàng năm Hà Nội sẽ tổ chức Hội sách quốc tế nhằm giới thiệu sách, trao đổi bản quyền cũng nhưng thường xuyên tham gia các Hội sách quốc tế lớn của khu vực và thế giới.
Định hướng tới năm 2030, Hà Nội xác định người dân sẽ có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập và công tác. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân.
Nói về Dự thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung lưu ý cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề bản quyền, bởi hiện tại Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định quốc tế và đây là một nội dung rất quan trọng được nhiều quốc gia quan tâm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng gợi ý Dự thảo đưa vào nội dung xây dựng thư viện của Hà Nội. Đây sẽ là nơi dành cho không chỉ người dân trên địa bàn mà còn thu hút cả khách du lịch quốc tế mỗi khi tới Hà Nội có thể qua đây tìm hiểu thông tin về địa lý, lịch sử... của TP nói riêng và Việt Nam nói chung.
Không những thế, người đứng đầu UBND TP còn lưu ý Dự thảo kế hoạch cần đặt ra mục tiêu cụ thể là từ nay tới 2020, Hà Nội sẽ phấn đấu tổ chức được hội chợ sách tầm khu vực, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao văn hóa đọc của người dân Thủ đô...
Đề xuất thống nhất một mức lãi suất cho vay cùng một đối tượng chính sách
Theo tờ trình được lãnh đạo Sở Tài chính trình bày về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, TP Hà Nội thực hiện quản lý và sử dụng nguồn vốn cho vay của Quỹ giải quyết việc làm TP ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH TP theo quy định tại Quyết định số 86/2009/QĐ-UBND.
Qua 8 năm triển khai thực hiện Quyết định 86, kinh phí ngân sách TP đã bố trí để cho vay giải quyết việc làm đến nay trên 26.000 lượt hộ nghèo, 29.000 lượt hộ cận nghèo, trên 600 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo được trên 200.000 việc làm mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác cho vay giải quyết việc làm vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, phát sinh một số đối tượng mới được hưởng chỉnh sách cho vay giải quyết việc làm theo quy định. Về lãi suất cho vay, có sự chênh lệch giữa vay từ Quỹ giải quyết việc làm TP (người nghèo 0,3%/tháng, người cận nghèo 0,4%/tháng) và Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm T.Ư là 0,55%/tháng, chương trình cho vay hộ nghèo nguồn vốn T.Ư là 0,66%/tháng.
Việc lãi suất cho vay cùng một đối tượng nhưng vay từ nguồn vốn ủy thác địa phương thấp hơn nguồn vốn T.Ư đã khiến nhiều khách hàng băn khoăn.
Vì thế, một trong những nội dung cơ bản mà tờ trình đưa ra là sửa đổi quy định đối với mức cho vay và lãi suất cho vay. Liên ngành thống nhất đề xuất quy về một mức lãi suất theo quy định của NHCSXH từng thời kỳ được Thủ tướng quyết định. Cụ thể, Thông tư 11/2017/TT-BTC quy định do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở quy định hiện hành của NHCSXH và phù hợp với thực tế tại địa phương. Liên ngành dề xuất thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và HĐQT NHCSXH đối với từng đối tượng chính sách theo từng thời kỳ nhằm tạo sự thống nhất giữa nguồn vốn ngân sách Trung ước và ngân sách TP cho cùng một đối tượng vay.
Nêu ý kiến về tờ trình này, đại diện các cơ quan liên ngành như Sở Tư pháp, Sở LĐXH, Ngân hàng Nhà nước Hà Nội... cơ bản thống nhất và đồng ý với các đề xuất trong tờ tình. Việc quy về một mức lãi suất với cùng đối tượng được đồng tình cao.
Tuy nhiên, đại diện một số Sở, ngành như đại diện NHNN Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội... nếu ý kiến về việc đề nghị UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các đối tượng chính sách. Bởi, mức lãi suất với một số đối tượng NHCSXH thậm chí còn cao hơn mức lãi suất thương mại tại một số ngân hàng như Agribank...
Thông qua Quy chế quản lý phát triển điện lực
Trình bày tại phiên họp ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Quy chế mới xác định rõ việc xây dựng phát triển điện lực sẽ đồng bộ với các Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Cụ thể, vị trí, hướng tuyến, phương án xây dựng, quỹ đất xây dựng các công trình điện lực sẽ thực hiện theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các trường hợp có sai khác với quy hoạch được phê duyệt phải báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để được xem xét, quyết định.
Các trạm biến áp, đường dây điện chưa có trong Quy hoạch phát triển điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND TP, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt. Lưới điện trong khu vực từ vành đai 3 trở vào trung tâm TP phải lắp đặt ngầm theo Quy hoạch; Khu vực từ vành đai 4 đến vành đai 3 và các khu vực phát triển đô thị thuộc đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái sẽ được ngầm hóa.
Đối với đất sử dụng cho các công trình điện lực, Quy chế mới quy định rõ Chủ đầu tư phải có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất trong phạm vi dự án theo quy định hiện hành.
Đáng chú ý, Quy chế cũng có quy định rõ về nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện lực theo Quy hoạch. Cụ thể, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty điện lực TP và các đơn vị phân phối điện khác đã đăng ký là Chủ đầu tư phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn đề thực hiện dự án. Ngân sách TP sẽ dùng thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng, hạ ngầm đường dây, cáp điện đi nổi và các công trình điện lực khác nhau.
Với sự thống nhất của các đại biểu, Quy chế quản lý phát triển điện lực đã được UBND TP cơ bản thông qua, đồng thời trình ban cán sự Đảng để xem xét quyết định.
Dự kiến, chi gần 50.000 tỷ đồng cho phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030
Nói về Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, các cụm công nghiệp sẽ được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP giai đoạn đến 2020 - định hướng đến 2030, Quy hoạch phát triển công nghiệp của TP đến năm 2020 - định hướng đến 2030 ...
Đồng thời, các cụm công nghiệp sẽ được phát triển có chọn lọc với ưu thế sử dụng nhiều lao động nhưng hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các cụm công nghiệp nằm trong quận nội thành và vùng đô thị hạt nhân sẽ từng bước được chuyển đổi chức năng sang đô thị hoặc chuyển đổi tính chất sang công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao.
Đối với cụm công nghiệp mới sẽ xem xét theo hướng phát triển mạnh các ngành, các sản phẩm công nghệ vượt trội có lợi thế cạnh tranh, tác dụng dẫn đường thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị gia tăng và mạng phân phối toàn cầu.
Cũng theo ông Lê Hồng Thăng, đến nay, Hà Nội đang có 111 cụm công nghiệp đang hoạt động và đầu tư xây dựng dở dang. Sau khi rà soát đã loại khỏi quy hoạch 24 cụm công nghiệp. Về số lượng cụm công nghiệp trong tương lai, Quy hoạch đặt ra mục tiêu sẽ có 138 cụm với diện tích hươn 1.631ha cho đến 2020.
Trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng, lấp đầy 138 cụm công nghiệp trên. Thành lập 21 cụm công nghiệp, mở rộng 5 cụm công nghiệp với mục tiêu đến năm 2030, TP sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.217ha.
Quy hoạch cũng nêu rõ, dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội cần 34.650 tỷ đồng từ nay đến 2020 và 14.525 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2030. Như vậy tổng nguồn vốn sẽ ước tính vào khoảng 49.175 tỷ đồng.
Đa số đơn vị nhất trí việc ban hành quy định về xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP
Quy định về việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố, Liên ngành xây dựng dự thảo quy định theo nguyên tắc giảm bớt thủ tục hành chính, tạo quyền chủ động cho UBND cấp huyện trong công tác xác định giá khởi điểm. Theo đó, đấu giá để giao đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với thửa đất có giá trị từ trên 30 tỷ đồng và các dự án đấu giá thực hiện dự án đầu tư UBND TP phê duyệt giá khởi điểm.
Cụ thể, đấu giá các khu đất UBND TP giao Trung tâm phát triển Quỹ đất Hà Nội thực hiện có giá trị thửa đất dưới 30 tỷ đồng. Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài chính phê duyệt giá khởi điểm. Đối với các dự án còn lại, UBND TP phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt giá khởi điểm.
Đa số các đơn vị tham gia đóng góp ý kiến nhất trí với những sửa đổi này.