Trong đó, với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, tranh thủ thời tiết ấm dần, khẩn trương kết thúc gieo cấy và tiến hành tỉa dặm các ruộng bị thiệt hại. Khi lúa ra rễ trắng và lá mới cần bón thúc ngay lượng phân bón theo quy trình hướng dẫn. Những chân ruộng chua trũng, những diện tích lúa bị nghẹt rễ cần phải thay nước, làm cỏ sục bùn, kết hợp với bón thúc sớm, bón bổ sung phân lân Supe hoặc phân hữu cơ khoáng. Thời gian tập trung chăm sóc, bón thúc cho lúa xong trong tháng 3.
Với các tỉnh Bắc Trung Bộ, tập trung chăm sóc lúa đông xuân, hoàn thành sớm việc chăm sóc, làm cỏ, bón thúc (tuyên truyền và khuyến cáo nông dân sử dụng các loại phân NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm và Kali cao), điều chỉnh mực nước ruộng hợp lý, để lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh tập trung, quần thể đồng đều. Đồng thời, hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu, bệnh, chuột hại lúa, đặc biệt đối với các đối tượng như bệnh đạo ôn, rầy, chuột...
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn bà con nông dân tỉa dặm, trồng lại cây trồng vụ xuân bị chết rét, bón thúc, vun nhẹ để cây nhanh hồi phục. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường đặc biệt về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng nhằm tránh tình trạng lợi dụng thời điểm nhu cầu về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cao các đối tượng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến nay diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân 2013 - 2014 các tỉnh, thành phía Bắc đã cơ bản xong, chỉ còn một số tỉnh Trung du Bắc Bộ chưa gieo cấy xong do có những diện tích sản xuất phụ thuộc nước trời. Do ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại từ sau Tết Nguyên Đán, nhiều diện tích lúa xuân bị chết rét, bị thiệt hại phải gieo cấy lại hoặc tỉa dặm bổ sung...
Bón thúc cho lúa xuân tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức.
|