Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung hỗ trợ công nhân trong khu công nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 18/10, tại Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có buổi tiếp xúc với công nhân đang làm việc trong các KCN và chế xuất Hà Nội.

Rất nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống như BHXH, BHYT, ốm đau, thai sản, đời sống tinh thần, bình ổn giá, nhà ở... đã được  người lao động đưa ra để có câu trả lời từ các cơ quan chức năng.

Hiện nay, Hà Nội có 33 KCN, chế xuất, khu công nghệ cao, trong đó có 8 KCN tập trung đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 110.000 lao động, với 1.000 lao động là người nước ngoài, 65% lao động phổ thông, 20% lao động có trình độ cao đẳng trở lên, trên 60% lao động ngoại tỉnh, 60% là lao động nữ và 86% lao động được tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN... Có thể nói đây là khu vực đem lại doanh thu lớn cho Hà Nội, tuy nhiên cũng nảy sinh không ít vấn đề cần được giải quyết.

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là chất lượng nhà ở công nhân hiện nay còn nhiều điều phải bàn như phòng chật chội, việc bố trí phòng ở chưa hợp lý, các công trình hạ tầng phúc lợi xã hội, sân vận động, đèn chiếu sáng, vệ sinh công cộng tạm bợ, chưa được quan tâm. Đặc biệt, vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo còn quá thiếu mà số lượng con em công nhân thì đông nên luôn quá tải. Cùng với đó, đời sống văn hóa tinh thần ở đây cũng rất nghèo nàn. Theo phản ánh của nhiều công nhân, hiếm khi họ được xem chương trình văn hóa, văn nghệ, hay buổi chiếu phim... Một thống kê của LĐLĐ Hà Nội cũng cho thấy, có 60% công nhân không xem ti vi, 80% không đọc báo, tập thể dục hay tham gia các hoạt động văn hóa...

Những vấn đề quan việc chậm chốt sổ BHXH, giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp, cấp thẻ BHYT, chế độ ốm đau thai sản chưa thỏa đáng cũng được nhiều công nhân đặt câu hỏi. Như tại Công ty Canon, tính đến tháng 10/2011 vẫn còn gần 2000 trường hợp đã bỏ việc chưa được giải quyết chế độ BHXH. Việc  thay đổi cấp thẻ BHYT cũng gây nhiều phiền hà cho đại diện công ty do không biết xếp các trường hợp ốm đau, thai sản vào thẻ mới hay cơ chế cũ.

Với mong muốn có thể giải quyết phần nào những thắc mắc của người lao động, đạo diện Sở Văn hóa thông tin Du lịch cho biết, thực tế đơn vị này đang có 1000 buổi chiếu phim miễn phí cho các quận, huyện và sẵn sàng giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho KCN, CX Hà Nội để phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân. Ngoài ra, sẵn sàng chiếu lưu động các vở chèo, cải lương hoặc cử các đoàn xiếc về phục vụ người lao động.

Việc công nhân bị mua hàng hóa đắt đỏ, điều kiện ăn uống kém, bà Nguyễn Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết tháng 6/2011, Thành phố đã quyết định cho 11 doanh nghiệp vay vốn 0% đến bán hàng bình ổn giá với 653 điểm bán hàng trên 17 quận, huyện và 8 KCN,CX. Trong thực tế thì nguồn hàng không thiếu, giá bán hàng được niêm yết công khai, chất lượng VSATTP tốt, nhưng do không bố trí được địa điểm bán hàng nên KCN Bắc Thăng Long mới có 6 điểm bán hàng cố định và 4 điểm bán hàng lưu động.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ tốt nhất điều kiện sinh hoạt, ăn ở cho người lao động là trong thời gian tới, tại KCN Bắc Thăng Long, thành phố sẽ đưa 3 khối nhà CT1, CT2 và CT3, mỗi khối nhà gồm 15 tầng nổi và 1 tầng hầm, với tổng diện tích sàn 34.860m2, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho hơn 2.000 công nhân. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với việc xây mới các khối nhà nói trên. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trong 16 tháng, từ tháng 8/2010 đến tháng 12/2011. Trước đó, giai đoạn 1 của dự án đã được khai thác, đưa vào sử dụng với 14 đơn nguyên (mỗi đơn nguyên cao 5 tầng) cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gồm đường giao thông, cây xanh, vỉa hè, sân chơi, nhà trẻ... đáp ứng chỗ ở cho hơn 5.000 công nhân. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, tuy nhiên đây chỉ là những việc trước mắt, về lâu dài, các sở, ban, ngành liên quan cần lắng nghe ý kiến của người lao động để xây dựng phương án trình UBND TP nhằm giải quyết tốt nhất những kiến nghị của công nhân.