Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mấy ngày qua, ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến ở mức từ 30 - 50mm.

Một số tỉnh như Thái Bình, Nghệ An, Hà Giang có lượng mưa đo được lên tới 160mm, gây ngập nhiều tuyến đường, làm hư hại hàng nghìn héc ta lúa và hoa màu; sạt lở nhiều đoạn đường và công trình thủy lợi...

 

Khắc phục hậu quả

 

Tại Thái Bình, trận mưa giông lớn sáng ngày 20/9, đã khiến hàng loạt con đường, khu dân cư ở thành phố Thái Bình ngập sâu trong nước. Nghiêm trọng hơn, mưa đã gây sạt lở một số đoạn đê sông, đê biển của huyện Thái Thụy do chưa được cứng hóa. Nhiều điểm bị xói mòn, nứt và sạt lở thân đê, chân kè. Đặc biệt là tuyến đê biển số 7, mái đê phía đồng đoạn thuộc xã Thái Nguyên bị sạt lở dài 38m, sâu từ 1 - 1,5m. Kè Hà My trên tuyến đê sông Diêm Hộ đoạn dài 40m cũng bị sạt lở nghiêm trọng, sâu từ 1,5 - 2,5m, có chỗ đã sạt lở lấn vào mái đê từ 2 - 3m. Cũng tại tuyến đê biển số 7 và số 8, đoạn thuộc địa phận các xã Thái Nguyên, Thụy Dũng và Thụy Hồng đã xuất hiện 5 cung sạt lở chân đê. Các điểm sạt lở có chiều dài cung trung bình từ 15 - 40m và lấn sâu vào thân đê từ 1,5 - 2m. Hiện, tỉnh Thái Bình đã giao các ngành và huyện Thái Thụy phối hợp xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạn đê, kè. Đồng thời huy động nhân lực, vật tư, phương tiện thi công, kịp thời đối phó với các đợt mưa mưa, bão tiếp theo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung tiêu nước chống úng, cứu lúa mùa.

 

Với lượng mưa đo được ở một số trạm lên tới 161mm, Nghệ An là một trong những địa phương bị rơi vào tâm mưa và chịu ảnh hưởng không nhỏ về người và tài sản, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Sau trận mưa lớn ngày 20/9, tại địa bàn Dốc Chó, huyện Con Cuông đã xảy ra sạt lở núi. Một lượng lớn đất đá đổ ập xuống quốc lộ 7 gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền...

 

Mưa lớn kéo dài cũng làm cho các vườn nhãn tại tỉnh Hưng Yên đang trong thời điểm thu hoạch bị thiệt hại nặng. .

 

Sẽ tiếp tục có mưa to 

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ngày 21/9, bộ phận không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ và phía Tây Bắc Bộ.

 

Chiều qua 21/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên Biển Đông ở vào khoảng 14.0 đến 16.0 độ Vĩ Bắc; 113.5 đến 115.5 độ Kinh Đông. Trong khoảng 24 giờ tới, vùng áp thấp này ít di chuyển và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động, trong cơn dông  đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

 

Tại Bắc Bộ, mực nước hạ lưu của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình tiếp tục lên, sau đó sẽ xuống. Hồi 19 giờ ngày 21/9 mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt 2,80m, đến 19 giờ tối 22/9 đạt 3,0m. Đến 7 giờ ngày mai 23/9, mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng tại Hà Nội có khả năng xuống ở mức 2,80m. Lũ trên hệ thống sông Cả tiếp tục xuống, tình trạng ngập úng ở vùng trũng, hạ lưu sông Cả sẽ giảm dần.