Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành ngoại giao và công thương tập trung khai thác và mở rộng thị trường xuất khẩu, vận động thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn ODA thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các tham luận tại phiên họp khẳng định: công tác hội nhập quốc tế mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chuyển biến trong tư duy, nhận thức và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia đi đôi với củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho tiến trình phát triển đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
|
Trong 2 năm qua, Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược với 5 quốc gia và đối tác toàn diện với 2 nước; mở rộng một số thị trường tiềm năng như Mỹ Latin, Trung Đông và Bắc Phi.
Các cơ quan đại diện ngoại giao cũng đã hỗ trợ các bộ ngành và địa phương đẩy mạnh vận động ODA, FDI, xúc tiến thương mại, du lịch và xuất khẩu cũng như kịp thời đấu tranh chống các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử thương mại quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người lao động…
Phiên họp cũng đã phân tích một số vấn đề còn bất cập liên quan đến triển khai hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực còn chưa đồng bộ, nhịp nhàng theo 1 chiến lược tổng thể gắn kết cả trong và ngoài nước, nhất là sự chuẩn bị ở trong nước chưa bắt kịp tốc độ hội nhập quốc tế…
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại trong 3 năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Rõ nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp 18% GDP, riêng năm 2013 vốn FDI đăng ký mới là 22 tỷ USD, tăng 55% so với năm ngoái; trong 20 năm qua các nước, các tổ chức quốc tế cam kết ODA lên tới 88 tỷ USD dành cho Việt Nam và đến nay đã rải ngân được 50 tỷ USD.
Thủ tướng nhấn mạnh: Không chỉ góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô mà các nguồn lực từ bên ngoài đã và đang góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như trực tiếp góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; phát triển y tế, giáo dục; củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh và sự ủng hộ quốc tế đối với mục tiêu đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…
Cùng với nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế đối ngoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương và cụ thể là từng cán bộ, nhân viên trong ngành cần tiếp tục quán triệt, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu trước hết phải tập trung khai thác tối đa thị trường sản phẩm truyền thống nông sản như: gạo, cafe, cao su, thủy sản, hạt điều và công nghiệp truyền thống là dệt may, da giầy cũng như một số hàng hóa tiêu dùng khác; đồng thời mở rộng khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương, gắn với tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và cân bằng lợi ích, nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU …
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Đưa FDI đầu tư vào gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đưa công nghệ mới, sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít tiêu tốn năng lượng. Trong nước, cần cải cách, tạo mọi điều kiện thể chế, cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư, công khai minh bạch các định chế, cơ chế thị trường thông thoáng, đầu tư hạ tầng quyết liệt và đào tạo nguồn nhân lực để thu hút FDI vừa góp phần tăng trưởng, vừa góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại.
"Cả Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng trực tiếp là các đồng chí đại sứ, thương vụ phải làm nhiệm vụ này quyết liệt và rất cụ thể, giúp doanh nghiệp bạn vào nước ta rồi đưa từng đoàn vào tổ chức hội thảo với từng địa phương, từng ngành để tìm kiếm cơ hội thúc đẩy đầu tư"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu từng vị đại sứ, cán bộ thương vụ và các bộ, ngành, địa phương tăng cường tiếp xúc, vận động thúc đẩy các nước, các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ ODA cho Việt Nam tập trung vào phát triển các hạ tầng thiết yếu như giao thông, cảng biển, điện cũng như trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nghèo, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số…
Thủ tướng cũng lưu ý ngành ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, góp phần củng cố sự tin cậy, lòng tin và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh và nâng cao vị thế đất nước; tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác khoa học công nghệ và phát triển giáo dục đào tạo; tiếp tục làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng như kiện toàn tổ chức, biên chế để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế đối ngoại.
Sau hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện chương trình này.