Ngày 14/1, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tổ chức tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hơn 400 triệu lượt khách đi xe buýt
Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường cho biết, năm 2014, doanh thu toàn Tổng Công ty đạt trên 3.150 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2013, lợi nhuận đạt 49,9 tỷ đồng, tăng 5%. Đáng chú ý, trong bối cảnh giá vé xe buýt tăng từ 1/5/2014 nhưng với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, Tổng Công ty đã cố gắng giữ sản lượng khách đi xe buýt, đạt trên 400 triệu lượt khách. Cùng với đó, Transerco đã chủ động đề xuất hợp lý hóa lộ trình, điểm dừng đỗ 29 tuyến buýt. Mở rộng vùng phục vụ buýt đến các khu vực Sơn Tây, Đặng Xá, Ecopark… Đưa vào vận hành tuyến buýt chạy thử nghiệm trên lộ trình tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.
Về công tác đầu tư, Tổng Công ty đã đầu tư thay mới 70 xe buýt đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 3, sàn bán thấp để hành khách dễ tiếp cận và có cabin tách biệt cho lái xe. Lắp đặt các màn hình LED thông tin xe buýt tại các nhà chờ. Trung tâm chăm sóc khách hàng - Call Center mỗi tháng tiếp nhận trên 6.000 cuộc gọi, trong đó trên 90% là giải đáp dịch vụ, trên 98% khách hàng phản hồi hài lòng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng. Trang Web “tìm đường xe buýt” phục vụ bình quân trên 12.000 lượt truy cập mỗi ngày và từ tháng 12/2014 Tổng Công ty đã thử nghiệm cung cấp thêm phiên bản phần mềm dành cho các hành khách sử dụng smartphone… Tổng Công ty đã tập trung GPMB cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng depot xe buýt, bãi đỗ xe công cộng. Nhiều dự án đã hoàn thành GPMB như dự án mở rộng Bến xe Mỹ Đình, dự án bãi đỗ xe tại Yên Viên, Tam Hiệp. Các dự án xây dựng mới các bến xe ở các cửa ngõ như Yên Thường, Cổ Bi, Hoài Đức, Thường Tín cũng đang được triển khai chuẩn bị đầu tư.
Hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014”, Transerco xác định nhiệm vụ của đơn vị là “Năm chất lượng dịch vụ”. Sau một năm thực hiện, chất lượng dịch vụ của Tổng Công ty đã cải thiện rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực từ vận tải liên tỉnh du lịch đến dịch vụ bến bãi, điểm đỗ xe công cộng và đặc biệt là dịch vụ xe buýt, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng văn minh, sạch, đẹp.
Tâm điểm là dịch vụ bến, điểm đỗ xe
Năm 2015, Transerco đề ra mục tiêu “tiếp tục ổn định về mọi mặt và phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của Tổng Công ty trong lĩnh vực xe buýt, bến bãi, điểm đỗ xe công cộng; đẩy mạnh cổ phần hóa và tăng cường quản trị DN gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh”. Đặc biệt, hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015”, Tổng Công ty chọn “Bến bãi và điểm đỗ xe công cộng” là tâm điểm nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng dịch vụ tại các bến xe, bãi đỗ xe công cộng của Transerco mà trước mắt là thí điểm tại Bến xe Mỹ Đình và từng bước nhân rộng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao những kết quả mà Transerco đã đạt được trong năm 2014, đặc biệt là dự án mở rộng Bến xe Mỹ Đình hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời đưa vào hoạt động trong dịp Tết Dương lịch, góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Năm 2015, Tổng Công ty cần phối hợp với Sở GTVT xem xét, đánh giá lại hiệu quả các luồng, tuyến xe buýt vận tải hành khách công cộng để từ đó có sự sắp xếp, đưa ra lộ trình hợp lý, mở rộng vùng hoạt động của xe buýt. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Phó Chủ tịch nhấn mạnh: “Vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội hiện nay và trong các năm tới vẫn là xe buýt, do đó, Transerco phải mở rộng vùng hoạt động, khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như trục Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài, đường Vành đai 3… Vận hành xe buýt phải vừa đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, vừa giảm trợ giá. Bên cạnh đó, cuối năm 2015, đầu năm 2016 tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ đưa vào hoạt động, do đó Transerco phải có phương án chuyển các tuyến buýt đang khai thác trên trục sang dạng thu gom cho vận tải đường sắt; giảm dần những lộ trình buýt có khoảng cách 25 – 30km. Đồng thời lên phương án tiếp nhận và vận hành có hiệu quả tuyến buýt nhanh BRT.
Lượng khách sử dụng phương tiện công cộng ngày càng tăng. Ảnh: Quỳnh Anh
|