Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, năm 2015, Thanh tra TP và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai 374 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý 1.173,1 tỷ đồng, 48ha đất; rút kinh nghiệm 119 tập thể và 80 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến để xảy ra sai phạm và chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc. Các dạng sai phạm chủ yếu như chậm triển khai thực hiện dự án (DA); chậm nộp tiền sử dụng đất; sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng, cho thuê không đúng quy định; nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; áp dụng định mức, đơn giá, thanh quyết toán chưa đúng quy định. Công tác thanh tra chuyên ngành đã được tập trung vào những lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm, như: Đất đai, trật tự xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục, xăng dầu… Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 61,9 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2015, các cơ quan hành chính của TP đã tiếp 42.671 lượt công dân; trong đó có 521 lượt đông người; riêng lãnh đạo các đơn vị đã tiếp 13.002 lượt công dân. Nội dung đơn khiếu nại tố cáo (KNTC) chủ yếu liên quan đến việc thu hồi, GPMB khi triển khai các DA, vi phạm trật tự xây dựng, việc chuyển đổi mô hình chợ ở một số quận, huyện và công tác dồn điền đổi thửa. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính của TP đã tiếp nhận, thụ lý theo thẩm quyền 3.436 vụ KNTC; đã giải quyết xong 2.944 vụ, đạt tỷ lệ 86%. Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị điều chỉnh bổ sung 23 phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; kiến nghị thu hồi 3.917 triệu đồng, 31,484m2 đất; trả cho công dân 3.436 triệu đồng và kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 54 tập thể, cá nhân.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đánh giá cao và biểu dương thành tích xuất sắc của Thanh tra TP Hà Nội đã đạt được trong năm 2015. Bên cạnh đó cũng chỉ ra một số tồn tại như việc triển khai thanh tra tại các đơn vị chưa đồng đều, kết quả thanh tra còn hạn chế. Việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra tại một số đơn vị hiệu quả chưa cao. Một số vụ KNTC giải quyết chậm, gây bức xúc cho Nhân dân. Đồng thời yêu cầu: “Thời gian tới, ngành thanh tra cần phải thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, như: Quản lý đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, đầu tư mua sắm tài sản công nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời vi phạm, tránh lãng phí và giảm tham nhũng. Ngoài ra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp thời xử lý vi phạm, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, phòng chống tham nhũng. Mặt khác, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường đối thoại và tiếp công dân nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay tại cơ sở, không để người dân bị kẻ xấu lợi dụng. Đi đôi với những việc làm trên, Thanh tra TP cần tham mưu ban hành đầy đủ các quy trình nhiệm vụ thanh tra, chú trọng đến đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra trước tình hình mới. Chủ động nắm, xử lý tình huống đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trước và trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”.
Nhân dịp này, Thanh tra TP được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2); 16 tập thể, cá nhân được UBND TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ tặng Bằng khen.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
|