Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tất bật làng nghề bánh kẹo Cổ Hoàng

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào dịp cuối năm, không khí sản xuất bánh kẹo ở làng nghề Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên lại sôi động. Dù đã làm hết công suất nhưng đến thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh kẹo ở Cổ Hoàng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

 Ông Nguyễn Đăng Khoa làm việc tại gia đình
Nhắc đến làng Cổ Hoàng nhiều người sẽ nhớ ngay tới những thức quà quê nổi tiếng như kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, chè lam. Đây là những món ăn dân dã, bình dị nhưng đậm đà hương vị truyền thống của vùng quê Việt Nam. Người làng Cổ Hoàng đã giữ gìn và phát triển nghề làm bánh kẹo truyền thống này đã hàng trăm năm nay. Ở nước ta cũng có nhiều nơi sản xuất loại bánh kẹo này, nhưng bánh kẹo ở Cổ Hoàng vẫn mang hương vị riêng.

Đến thăm cơ sở Khoa Chuyên, một gia đình có hơn 40 năm làm kẹo lạc. Mặc dù đã cận Tết Nguyên đán nhưng không khí sản xuất nơi đây vẫn tấp nập. Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, chủ cơ sở Khoa Chuyên, từ đầu tháng 11, gia đình ông đã phải thuê thêm gần chục công nhân làm hàng cung cấp cho thị trường Tết. “Đã gần 2 tháng nay, ngày nào 2 bếp cũng đỏ lửa đến 12 giờ đêm mà vẫn không đủ hàng giao cho khách. Hàng vừa ra lò vẫn còn nóng hổi khách đã ngồi trực chờ để đặt mua” – ông Khoa cho biết thêm.

Kẹo lạc Cổ Hoàng được làm rất kỳ công, tuyển chọn kỹ lưỡng từ nguyên liệu đầu vào. Lạc để làm kẹo phải là giống lạc ta hạt nhỏ, được rang trực tiếp bằng củi lửa chứ không đem sấy công nghiệp như kẹo trên thị trường. Vì thế hạt lạc, hạt vừng thơm, bùi đúng vị cổ truyền. Lạc, vừng sau khi được loại bỏ những hạt lép đem rang vàng, trộn thật nhanh và đều tay với mạch nha đã nấu chín. Sau đó đổ hỗn hợp kẹo này ra một tấm phản có trải bột gạo phía dưới, dùng sức tải thật nhanh thành một phên mỏng rồi phủ vừng rang lên và dùng dao chuyên dụng để cắt thành từng thanh.
Thao tác tải hỗn hợp và cắt kẹo phải làm thật nhanh vì mạch nha để nguội sẽ bị cứng, cắt sẽ bị vỡ vụn… Làm kẹo lạc nói dễ mà cũng không dễ, bởi vì công đoạn nấu nha là khó và quan trọng nhất, chỉ cần quá lửa một chút là kẹo sẽ bị đắng, màu chuyển sang đen, ăn không thơm ngon nữa.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhiều hộ sản xuất ở Cổ Hoàng đã đầu tư máy móc hiện đại vào các công đoạn nhào nha, đóng gói sản phẩm. Cải tiến này còn giúp sản phẩm của làng nghề đảm bảo VSATTP.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng đều đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, trên mỗi bao bì ghi nhãn mác, thời hạn sử dụng. Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Đào Đức Hội cho biết: Hiện làng Cổ Hoàng có 80 hộ sản xuất bánh kẹo, trong đó có khoảng 20 cơ sở đã đầu tư trang bị máy móc hiện đại. Dịp Tết này các cơ sở sản xuất trong làng đều tăng năng suất 2 – 3 lần, trung bình mỗi ngày làng nghề sản xuất ra khoảng 2,5 tấn kẹo, bánh các loại. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất.