Cái nghề cũng là cái nghiệp
Bờ Hồ Gươm luôn tấp nập người qua lại. Những hoạt động, sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra như bao ngày, nhưng những ngày gần đây cách chỉ vài mét, ngay sát mép bờ hồ, khuất sau những tấm bạt là một không gian hoàn toàn khác với sự ồn ào, náo nhiệt của phố phường. Nơi đó, hàng trăm công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội trong trang phục màu xanh truyền thống đang tất bật với công việc của mình. Từng ấy con người nhưng gần như chẳng có lấy một câu cười đùa, tán gẫu mà chỉ dồn hết vào công việc. Chỉ có những tiếng lạch cạch của xẻng, của xô, của xà beng và của bánh xe chở bùn vang lên khô khốc rồi rơi tõm vào không gian.
Công việc của những công nhân ở đây bắt đầu từ 21 giờ đêm kéo dài đến tận 5 giờ sáng hôm sau. Trong suốt khoảng thời gian ấy, họ hầu như không lúc nào ngơi tay. Hỏi chuyện mấy người, ai cũng chỉ có một câu duy nhất: Công việc còn nhiều lắm, phải tập trung hết mức có thể để hoàn thành đúng tiến độ. Phải đợi suốt gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có dịp tiếp xúc, trò chuyện với những công nhân ở đây. Đó là thời điểm nghỉ giải lao giữa ca, tranh thủ xả hơi, uống nước và nạp năng lượng cho cả một đêm dài lao động phía trước. Vừa từ dưới hồ bước lên, ông Trịnh Văn Mai (SN 1957) vội vàng chạy ngay đến một gốc cây vơ nhanh ca nước, rót ra ly rồi tu ừng ực. Dầm mình dưới nước suốt gần hai tiếng đồng hồ, trên khuôn mặt người đàn ông ấy, từng đám bùn lớn cứ tan dần theo những giọt mồ hôi tuôn dài từ trên đầu xuống gò má rồi nhỏ tong tong trên mặt bê tông giữa cái rét đầu Đông của Hà Nội. “Tranh thủ uống nhanh còn ngả lưng một chút. Có tuổi rồi chứ đâu còn sức lực như cánh thanh niên các cậu” - ông Mai nói trong hơi thở gấp trước ánh mắt tò mò của tôi.
|
Công nhân trong tổ thủ công nạo vét bùn tại Hồ Gươm. Ảnh: Quý Nguyễn |
Vốn là một cựu chiến binh, ông Mai đã từng nhiều năm chiến đấu trên chiến trường Campuchia giúp bạn chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Sau khi giải ngũ, ông từng làm đủ nghề để kiếm sống. Rồi ông đến với nghề công nhân vệ sinh môi trường và đến nay đã có hơn 18 năm gắn bó với nghề. Ông chia sẻ, chỉ vài tháng nữa sẽ nhận quyết định nghỉ hưu, nhưng khi Công ty thực hiện dự án nạo vét Hồ Gươm, ông vẫn nhiệt tình tham gia. Bởi đó là một trải nghiệm rất đặc biệt mà không phải ai trong số những người làm nghề như ông có cơ hội kinh qua. “Chuyên môn của tôi là nạo vét sông, kênh mương. Nạo vét Hồ Gươm thì cũng từng được tham gia một vài lần trước đó rồi. Nhưng lần này là đặc biệt nhất. Vì đây là lần đầu tiên có một dự án nạo vét Hồ Gươm quy mô lớn như vậy. Được tham gia vào dự án này cũng đặc biệt lắm chứ” - ông Mai nói và khoe thêm rằng, ông là người may mắn vì có “truyền nhân”. Một trong số những người con của ông, hiện cũng đang công tác trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Điều đó đối với ông Mai thật đặc biệt. Bởi công việc mà ông và các đồng nghiệp của mình đang làm, không phải ai cũng có điều kiện và tấm lòng để hiểu và theo đuổi nó. “Suốt hơn 18 năm làm nghề, khổ cực tôi cũng trải qua nhiều rồi. Nhưng chưa bao giờ trong đầu tôi mảy may có suy nghĩ sẽ từ bỏ nghề. Đam mê hay không thì tôi không dám chắc nhưng nhiều lúc cái nghề nó cũng là cái nghiệp. Một khi đã bén duyên, đã gắn bó thì khó dứt ra được lắm”- ông Mai tâm sự.
Không sợ lạnh chỉ sợ chậm tiến độCũng như ông Mai, ông Nguyễn Văn Thịnh (SN 1959, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cũng thuộc diện “cao niên” trong số những công nhân tổ thủ công. Công việc của ông Thịnh là nạo vét khu vực ven bờ hồ với bán kính 7m tính từ mép kè bờ Hồ Gươm trở ra. Mực nước hồ tại khu vực làm việc của những công nhân tổ nạo vét thủ công rất thấp. Chỗ sâu nhất cũng chỉ ngập quá thắt lưng. Thế nhưng, công việc của họ hóa ra lại không hề đơn giản, dễ dàng. Ông Thịnh cho biết, đặc điểm địa chất lòng hồ ở khu vực quanh bờ rất phức tạp. Nó là hỗn hợp của bùn đất, cát sỏi, gạch đá, vôi vữa, vỏ ốc… thậm chí là cả bát hương khiến cho công tác nạo vét của các công nhân rất khó khăn. “Nói là nạo vét bùn nhưng chúng tôi vẫn phải dùng xẻng, thậm chí là xà beng để đào, nền đất lổn nhổn rất khó múc. Đặc biệt là phải hết sức cẩn trọng với từng nhát xẻng để đảm bảo không ảnh hưởng tới hệ thống móng kè quanh bờ hồ” - ông Thịnh kể.
Trong tổ nạo vét thủ công, những công nhân trực tiếp ngâm mình dưới nước là vất vả hơn cả bởi thời điểm dự án nạo vét Hồ Gươm diễn ra trùng với mùa Đông lạnh. Thế nhưng, khi được hỏi có cảm thấy công việc của mình là vất vả, cực nhọc nhất không thì người công nhân ấy trả lời rất thản nhiên như thể câu nói ấy phát ra từ trong vô thức: “Bình thường chứ có gì đâu. Nghề của tôi dầm mình dưới nước quen rồi. So với những lần đi nạo vét sông thì như thế này đã thấm vào đâu. Với cả được trang bị quần áo chuyên dụng, nước đâu có vào được. Chỉ sợ không may quần áo bị mảnh chai đâm thủng, lại mất công vá lại, mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ công việc thôi”.
|
Bữa ăn vội trong giờ giải lao của các công nhân nạo vét Hồ Gươm. |
Cũng như ông Mai, ông Thịnh cũng đã có hơn 20 năm công tác trong ngành vệ sinh môi trường, ông Thịnh từng trải qua rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong nghề. Tuy nhiên, ông bảo, tham gia vào công việc nạo vét Hồ Gươm sẽ là một trong những kỉ niệm đặc biệt nhất của mình. Rồi những năm tới, khi có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, ông sẽ dẫn các cháu mình đi dạo bờ hồ, chỉ xuống dòng nước xanh ngắt ấy mà khoe rằng, ngày xưa, mình cũng từng tham gia góp một phần công sức để giữ màu xanh ấy.
Cuộc trò chuyện của tôi với những công nhân nạo vét Hồ Gươm như ông Mai, ông Thịnh dừng lại khi thời gian nghỉ giải lao kết thúc. Rất nhanh chóng, họ lại đứng dậy, chỉnh lại trang phục, cầm theo dụng cụ rồi lại cùng nhau dầm mình dưới lòng hồ tiếp tục với công việc của mình. Tiếng cười nói cũng biến mất, chỉ còn tiếng lạch cạch, loạt soạt của xẻng, của xô, của xà beng và của bánh xe chở bùn vang lên khô khốc. Phía trên bờ, xa xa bên ngoài các con phố quanh bờ Hồ Gươm, dòng người đi lại đã vắng hẳn. Bầu không khí yên tĩnh dần chiếm lĩnh không gian đồng hành với những làn sương đêm lạnh giá cứ mỗi lúc một dày hơn, nặng trĩu phủ xuống đôi vai của những bóng áo xanh môi trường đang bì bõm dưới lòng hồ.
Đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công nhânĐể thực hiện dự án nạo vét Hồ Gươm lần này, Công ty đã huy động khoảng 200 cán bộ, công nhân viên cùng hàng trăm thiết bị, máy móc. Trong đó có hai máy múc bùn và hai máy bơm bùn, mỗi máy có công suất từ 80 - 100m3 bùn/giờ. Công ty cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động đặc dụng, trong đó có quần áo bảo hộ chống nước cho công nhân trực tiếp làm việc dưới mặt nước. Ngoài ra, bộ phận hậu cần còn chuẩn bị nước uống, trà gừng, miếng dán giữ nhiệt, thuốc men và đồ ăn nhẹ để công nhân ăn đêm, đảm bảo sức khỏe làm việc trong điều kiện lạnh giá của mùa Đông. Ông Lê Vũ Quảng SươngPhó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội
Việc TP Hà Nội cho tiến hành nạo vét bùn lòng hồ lần này, người dân chúng tôi hoàn toàn nhất trí, ủng hộ. Mong muốn làm sao để tạo mỹ quan sạch đẹp, tạo môi trường nước hồ tốt vì Hồ Gươm thực sự là một không gian sinh thái lý tưởng giữa lòng Thủ đô mà chúng ta phải giữ gìn. Ông Phạm Phú Tín – 93 Hàng Buồm |