Tàu điện Cát Linh - Hà Đông: Vận hành tốt trong tuần đầu khai thác

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một tuần khai thác, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của loại hình vận tải công cộng ưu việt, hiện đại. Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác quản lý, vận hành đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tạo nên vai trò đặc biệt, không thể thay thế của ĐSĐT trong mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội.

Hướng dẫn người dân quẹt thẻ từ để vào nhà ga. Ảnh: Hải Linh
Tăng tần suất phục vụ
Sau cả thập kỷ chờ đợi, từ ngày 6/11, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã chính thức được đưa vào vận hành, khai thác. Từ ngày 6 - 12/11, tàu chạy với tần suất 15 phút/lượt; tổng sản lượng hành khách đạt 165.824 lượt. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, đây mới chỉ là những con số ban đầu, do đang trong thời gian giãn cách xã hội nên tàu điện số 2A chưa phục vụ quá 50% năng lực.

Từ ngày 13/11, tàu điện số 2A đã được tăng tần suất lên 10 phút/lượt, riêng trong ngày hôm đó đã vận chuyển 28.035 lượt hành khách. Ông Vũ Hồng Trường thông tin thêm: “Sau một tuần, các cuộc gọi đến đường dây nóng của Công ty đã giảm từ hơn 100 cuộc/ngày xuống còn dưới 10 cuộc. Chủ yếu là các cuộc gọi để được hướng dẫn đi tàu, người dân không có phàn nàn về chất lượng dịch vụ cũng như thời gian chạy tàu”.

Bên cạnh đó, văn hoá đi tàu của hành khách cũng đã có những cải thiện rõ rệt. Hiện tượng mang hàng cồng kềnh, vật nuôi đi tàu đã không còn nữa. Hành khách trong các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu chủ yếu là người dân đi làm, đi học, sử dụng tàu với mục đích thiết yếu chứ không còn chỉ là đi trải nghiệm. Sở GTVT Hà Nội cũng tiếp tục điều chỉnh 4 tuyến xe buýt số: 22, 22A, 38 và 49 để tối ưu kết nối cho ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông.

Về phía đơn vị vận hành tuyến tàu điện số 2A và Sở GTVT Hà Nội cũng đã có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời các điều kiện cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất cho hành khách. Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã cho mượn toàn bộ sảnh B tầng 1 khu nhà ga Cát Linh để trông xe miễn phí cho người dân.

Những ngày qua, lượng hành khách tới các nhà ga của tuyến tàu điện số 2A đã lên hàng chục vạn lượt, nhu cầu gửi xe máy, xe đạp, kể cả ô tô tăng vọt. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải , đã xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân lập bãi xe tự phát “chặt chém” phí gửi xe của hành khách cao gấp nhiều lần quy định, gây phản cảm, bức xúc đối với người dân. Do đó, Sở GTVT TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị UBND các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp rà soát, đề xuất các vị trí để xe đạp, xe máy tạm thời dưới gầm cầu thang lên, xuống; các vị trí dưới lòng đường, vỉa hè theo chỉ đạo của UBND TP để phục vụ người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông.

Người dân đánh giá cao

Anh Nguyễn Trung Dân (Yên Nghĩa, Hà Đông) chia sẻ: “Khi chưa có tàu điện, tôi phải đi xe buýt ra Cát Linh, giờ cao điểm sáng có khi mất cả tiếng đồng hồ mới đến. Từ lúc đi tàu điện chỉ còn mất khoảng hơn 20 phút, có thêm thời gian đỡ vội vàng, lại rất nhàn nhã, không sốt ruột mỗi khi tắc đường”. Anh Nguyễn Trung Dân cũng khẳng định từ thời điểm này sẽ chọn tàu điện 2A làm phương tiện đi làm chính của mình. Tương tự, chị Đàm Thị Hiền (Phùng Khoang, Nam Từ Liêm) cũng cho hay: “Tôi đã ưng tàu điện ngay từ lần đầu tiên đi thử. Tuy loại hình mới có chút khác biệt trong việc tiếp cận nhưng được nhân viên tại nhà ga hướng dẫn rất nhiệt tình, một lần là hiểu ngay. Giá vé dự kiến chỉ nhỉnh hơn xe buýt một chút, cực kỳ hợp lý, không có lý do gì mà tôi không chọn tàu điện để đi làm thay xe buýt và xe máy”.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, mục tiêu thu hút người dân sử dụng, giảm UTGT, giảm số lượng phương tiện cá nhân, bước đầu, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đều đã đạt được. Công tác truyền thông, giới thiệu tàu điện đến người dân có hiệu quả, rộng khắp. “Tuy nhiên, hiện tuyến ĐSĐT số 2A vẫn còn thiếu một số điều kiện như siêu thị, cửa hàng. Tại các nhà ga cần thêm bảng hướng dẫn đi xe buýt kết nối; trên tàu nên có báo, bảng tin phục vụ hành khách… Mục đích cao nhất là biến tàu điện thành loại phương tiện không chỉ ưu việt mà còn thân thiện, gần gũi nhất với người dân” - ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, sự xuất hiện của ĐSĐT không chỉ tạo chuyển biến cho vận tải công cộng mà còn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của Hà Nội. Các dịch vụ thương mại xung quanh tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được hưởng lợi khi tàu mang người dân đến đông hơn, mua bán sầm uất hơn. Đặc biệt, giá bất động sản tại các khu vực lân cận tuyến ĐSĐT này đã rục rịch tăng.

Trong tương lai, khi Hà Nội có đủ 10 đoạn tuyến ĐSĐT, bên cạnh lợi ích cao nhất là giảm UTGT, ô nhiễm môi trường, kinh tế - xã hội cũng sẽ phát triển nhanh hơn, các khu vực có ĐSĐT sẽ sớm trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ đa dạng, tấp nập, góp phần vào sự phát triển chung của toàn TP.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã trải nhiều năm chật vật nhưng khi đưa vào vận hành, lập tức đã tạo nên một ấn tượng tốt trong nhận thức của người dân. Hà Nội nên tập trung, quyết liệt hơn nữa trong công tác đầu tư, phát triển ĐSĐT. Mỗi tuyến ĐSĐT sẽ mang đến rất nhiều lợi ích như giảm UTGT, giảm ô nhiễm không khí, phát triển kinh tế,… Chắc chắn không ít người dân tại các khu vực chưa có ĐSĐT đang rất mong mỏi, kể cả những ý kiến trái chiều cũng sẽ tự triệt tiêu khi ĐSĐT bước lên “sàn diễn” giao thông đô thị”.
Hà Nội đã cho thấy sự sẵn sàng, chuẩn bị rất chu đáo, toàn diện cho việc quản lý, vận hành tuyến ĐSĐT số 2A. Có thể nói, hình ảnh tàu điện số 2A đã được thay đổi hoàn toàn sau một tuần vận hành an toàn và trơn tru.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và các đơn vị liên quan tập trung cao độ, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Yêu cầu đối với hành khách đi tàu phải thực hiện nghiêm quy định 5K; đảm bảo khoảng cách khi xếp hàng mua vé và lên tàu; khai báo y tế trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng khai báo PC-Covid trước khi lên tàu; quét mã QR tại nhà ga.