Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tàu hải quân Anh cập cảng Tripoli để sơ tán công dân khỏi Libya

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Quốc phòng Anh ngày 3/8 thông báo một tàu hải quân Anh đã cập cảng Tripoli để sơ tán công dân nước này rời khỏi Libya giữa lúc tình hình an ninh tại quốc gia Bắc Phi này đang ngày càng xấu đi khiến hàng nghìn người phải rời khỏi đất nước.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh cho biết nhiều người, trong đó có khoảng 100 công dân Anh, đã được đưa lên tàu HMS Enterprise để rời khỏi Libya. Anh cũng đã thông báo kế hoạch tạm thời đóng cửa Đại sứ quán Anh tại Libya.
Khói bốc lên trong vụ cháy kho chứa dầu do trúng đạn pháo trong cuộc giao tranh giữa các phe phái gần sân bay ở Tripoli ngày 2/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên trong vụ cháy kho chứa dầu do trúng đạn pháo trong cuộc giao tranh giữa các phe phái gần sân bay ở Tripoli ngày 2/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chiến dịch sơ tán công dân Anh lần này cũng giống như một chiến dịch tương tự vào năm 2011 khi Hải quân Hoàng gia Anh điều một tàu chiến đến Libya để sơ tán người nước ngoài và công dân Anh sau khi xảy ra cuộc nội chiến tại Libya dẫn đến việc sụp đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi.

Theo ước tính, có khoảng từ 100 đến 300 công dân Anh ở Libya, nhiều nhân viên lãnh sự của Anh cũng đã được sơ tán khỏi Libya từ đầu tuần trước.

Cùng với Anh, Philippines cũng đã hối thúc các công dân nước này, tùy theo khả năng của mình, khẩn trương rời khỏi Libya, nơi đang có chiến sự ác liệt giữa các phe phái.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã điều một tàu thủy tới Libya để đón các công dân Philippines, tại các cảng Benghazi, Misrata và có thể ở cả Tripoli.

Theo các quan chức Philippines, tàu thủy được điều đến Libya có thể đón được khoảng 1.500 người.

Các cuộc giao tranh ở Tripoli và thành phố Benghazi đã đẩy tình trạng bạo lực tại Libya đến mức tồi tệ nhất kể từ năm 2011 khi nổ ra cuộc nội chiến, chấm dứt 4 thập kỷ nắm quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi.

Giới quan sát lo ngại rằng tình trạng hỗn loạn tại Libya còn kéo dài vì, ba năm sau cuộc nội chiến, chính phủ chia rẽ và yếu kém của Libya vẫn không thể kiểm soát các đơn vị được trang bị vũ khí hạng nặng của lực lượng nổi dậy trước đây./.