Thế nhưng, chế tài cũng như biện pháp xử lý đối với lượng xe taxi này lại chưa thực sự có hiệu quả.
Doanh nghiệp đua nhau lách luật
Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 404/TB-BGTVT, Sở đã tạm dừng việc cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe của các hãng đang hoạt động trên địa bàn TP. Tuy nhiên, do các đơn vị có nhu cầu phát triển mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nên một số DN có Giấy phép kinh doanh vận tải đang hoạt động tại Hà Nội đã thành lập chi nhánh tại các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định... đầu tư phương tiện và xin cấp phù hiệu của các tỉnh đó. Hầu hết các phương tiện này lại được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Thủ đô.
Rất nhiều taxi mang phù hiệu ngoại tỉnh thường xuyên đón trả khách tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Ngọc Hải |
Lý giải về thực trạng trên, chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng, một mặt do nhu cầu của hành khách ngày càng tăng cao, các hãng taxi đương nhiên không thể bằng lòng với lượng xe hiện có, mà phải tìm mọi cách để mở rộng kinh doanh. Mặt khác, sự xuất hiện của các loại hình taxi mới như: Grab, Uber… đòi hỏi các hãng taxi phải phát triển lực lượng để cạnh tranh, giữ thị phần. “Bị khống chế số lượng khiến các hãng phải tìm cách lách luật, mở chi nhánh, xin phù hiệu ở các địa phương lân cận rồi đưa về hoạt động tại Hà Nội” - ông Đặng Chí Nga nói.
Ông Tuấn Anh - Giám đốc hãng taxi Thành Lợi chia sẻ: “Taxi ngoại tỉnh hoạt động ở Hà Nội đã nhiều năm mà hiện cũng chưa có luật nào quy định cụ thể vùng hoạt động của taxi, hay nói rõ xe tỉnh nào chỉ được kinh doanh ở tỉnh đó. Taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng, phụ thuộc vào nhu cầu của khách, khách bảo đi đâu là đi đấy thôi”.
Còn Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hưng Yên Nguyễn Đức Đoàn cho rằng, kể cả trong Nghị định 46 lẫnThông tư 63 đều chưa có một quy định nào cấm taxi ngoại tỉnh hoạt động ở Hà Nội, cũng chưa có chế tài xử phạt các xe này. Cơ quan chức năng chỉ có thể phạt những lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoặc điều kiện kinh doanh vận tải.
Không đồng tình trước quan điểm này, đại diện Sở GTVT Hà Nội lý giải, phương tiện đăng ký hoạt động ở địa phương nào thì phải phục vụ Nhân dân, hành khách ở địa phương đó. Xin cấp phù hiệu taxi ở Hưng Yên, Bắc Ninh… mà về hoạt động thường xuyên tại Hà Nội là không thực hiện đúng phương án kinh doanh vận tải đã đăng ký. Hơn nữa, theo thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội, đa số các xe vi phạm quy định về dừng đỗ, đi sai làn đường, rà rê đón khách tại các bến xe, bệnh viện… trên địa bàn TP đều thuộc nhóm “ngoại tỉnh” này.
Mạnh ai nấy làm
Sáng 18/10, khi thị sát cùng Đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, phóng viên đã ghi nhận nhiều taxi thương hiệu: Thành Lợi, Sao Thủ đô… mang phù hiệu ngoại tỉnh nhưng vẫn đón trả khách tại một số bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát… Một trong những trường hợp bị xử lý tạm giữ phương tiện là tài xế điều khiển xe taxi mang BKS: 30E - 045.93 của hãng Sao Thủ đô, khi được hỏi: “Được cấp phù hiệu Taxi Hưng Yên anh có biết xe mình chỉ được phục vụ hành khách ở Hưng Yên không?”. Tài xế trả lời: “Không nắm rõ quy định này”.
Trước những vấn đề này, ông Đào Việt Long khẳng định, trong các điều kiện bắt buộc đối với kinh doanh dịch vụ taxi có quy định chi tiết về: thời gian, địa điểm giao ca, phạm vi phủ sóng bộ đàm, điểm đỗ… Do đó, việc xử lý taxi hoạt động ngoài phạm vi địa phương cấp phép là hoàn toàn có thể thực hiện được. Đại diện Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh: “Thời gian tới sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý đối với taxi ngoại tỉnh để giữ gìn trật tự, ATGT cũng như môi trường kinh doanh vận tải của Thủ đô”. Đầu tháng 10 này, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, TP: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hải Dương, Phú Thọ… tổ chức kiểm tra việc thực hiện các điều kiện về kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi đối với các DN, cá nhân có phương tiện được cấp phù hiệu taxi nhưng thường xuyên về hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng chung, có thể thấy giữa cơ quan chức năng các địa phương với nhau và cả với Bộ GTVT vẫn còn nhiều điểm “vênh”, thậm chí là trái ngược trong quan điểm quản lý xe taxi. Giới chuyên gia cho rằng, “làm luật” là Bộ GTVT, Sở, ngành địa phương thì trước tiên vẫn phải thực hiện đúng theo các quy định. Chừng nào Bộ GTVT còn chưa lấp được những lỗ hổng trong luật, chưa đưa ra được những quy định, chế tài cụ thể thì tình trạng taxi ngoại tỉnh “tràn” vào Hà Nội còn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, áp lực cho mạng lưới giao thông vận tải của TP.
Hiện có khoảng 3.000 taxi mang phù hiệu ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Trong số này, nhiều nhất là Vĩnh Phúc với 742 xe; Hưng Yên: 335 xe; Bắc Ninh: 161 xe. Rất nhiều xe là do một số hãng taxi tại Hà Nội đưa đi các chi nhánh tỉnh ngoài để xin cấp phù hiệu rồi quay trở lại TP để hoạt động. |