Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tây Ban Nha khắc phục thảm họa lũ lụt lớn nhất lịch sử hiện đại

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những trận lũ quét nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Tây Ban Nha đã cướp đi ít nhất 214 sinh mạng và hàng chục người vẫn mất tích sau bốn ngày mưa lớn hoành hành vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha.

Sedavi, Valencia, Tây Ban Nha vào ngày 02/11. Ảnh: Eva Manez
Sedavi, Valencia, Tây Ban Nha vào ngày 02/11. Ảnh: Eva Manez

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Tây Bân Nha Pedro Sanchez thông báo  chính phủ sẽ huy động thêm 5.000 nhân sự cứu hộ để hỗ trợ công tác tìm kiếm và khắc phục, bên cạnh 2.500 nhân sự đã có mặt từ trước. “Đây là chiến dịch lớn nhất của lực lượng vũ trang Tây Ban Nha trong thời bình,” Thủ tướng Sanchez nói. “Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực có thể trong thời gian này.”

Chính quyền khu vực Valencia báo cáo vào tối thứ Bảy (02/11) rằng tổng số người thiệt mạng tại khu vực là 211, cùng với hai người tử vong ở Castilla La Mancha và một người ở Andalusia. Thảm kịch này đã trở thành vụ lũ lụt nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ năm 1967, thời điểm có hơn 500 người thiệt mạng tại Bồ Đào Nha.

Hy vọng tìm thấy người sống sót đã được thắp lên khi các đội cứu hộ phát hiện một phụ nữ còn sống sau ba ngày mắc kẹt trong bãi đỗ xe tại Montcada, Valencia. Người dân địa phương đã vỡ òa trong tiếng vỗ tay khi ông Martin Perez, Giám đốc bảo vệ dân sự, thông báo tin vui này.

Cũng trong thứ Bảy, hàng trăm tình nguyện viên đã tập trung tại trung tâm City of Arts and Sciences ở Valencia, nơi chính quyền khu vực tổ chức đợt dọn dẹp quy mô lớn đầu tiên. Trung tâm này đã được chuyển thành nơi điều phối hoạt động cứu hộ và phục hồi.

Tại khu vực Picanya, thuộc vùng ngoại ô Valencia, bà Emilia, 74 tuổi, chủ một cửa hàng, chia sẻ với phóng viên: “Chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi, có rất nhiều người cần giúp đỡ. Không chỉ có nhà tôi mà tất cả các ngôi nhà khác đều đã hư hại nặng. Bao giờ thì sẽ có hỗ trợ để chúng tôi có thể quay trở lại cuộc sống như trước? ”

Y tá Maria Jose Gilabert, 52 tuổi, cũng là cư dân của Picanya, nói: “Chúng tôi rất suy sụp vì rất lâu nữa nơi này có thể trở lại trạng thái bình thường.”