Việt Nam
Tết Trung thu là một trong những lễ hội cổ truyền được người dân tổ chức rầm rộ nhất tại Việt Nam. Ngày lễ này thường được mặc nhiên công nhận là "tết của trẻ em", vì vậy mà người lớn ngoài việc mua bánh nướng, bánh dẻo về thắp hương vào đúng ngày trăng tròn 15/8 Âm lịch, còn mua rất nhiều đồ chơi cho con, cháu mình.
Trong số các món đồ chơi mua vào dịp Trung thu có đèn lồng, đèn ông sao, trống, mặt nạ, đầu sư tử... Gần đến ngày này, trẻ em thường đi thành từng nhóm, tổ chức múa lân (múa sư tử) trước cửa mỗi nhà. Chủ nhà sau đó thường cho lũ trẻ vài đồng tiền lẻ như một phần thưởng.
Nhật Bản
Nhật Bản cũng chào đón Tết Trung thu vào ngày 15/8 Âm lịch hàng năm, và người dân Nhật thường gọi là Lễ hội ngắm trăng. Lễ hội truyền thống này được du nhập vào Nhật từ 1.000 năm trước. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất.
Ngày nay, người Nhật không còn sử dụng lịch âm lịch, tuy nhiên Tết Trung thu vẫn được tổ chức rầm rộ. Trong dịp lễ, người Nhật vừa ngắm trăng tròn, vừa ăn những món ăn truyền thống. Thông thường người dân sẽ bày bánh thành một mâm lớn để trước thềm nhà, vừa thong thả ngắm trăng, vừa chuyện trò và ăn uống. Món bánh ăn trong ngày này ở Nhật là bánh gạo nếp.
Trẻ em Nhật Bản cũng thường tham gia vào lễ hội rước cá chép. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
Hàn Quốc
Ngày lễ Rằm tháng 8 ở Hàn Quốc có tên Chuseok. Chuseok nghĩa đen là đêm mùa Thu, là đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm. Trước kia Chuseok diễn ra vào mùa thu - mùa của sự thu hoạch. Do đó, ngày lễ này còn mang ý nghĩa hội mùa. Vào ngày này, người Hàn sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được như thịt, cá, rau, hoa quả, bánh gạo... để chế biến các món ăn thành kính dâng lên tổ tiên.
Sau này, Chuseok càng mang nhiều ý nghĩa hơn. Nó không chỉ là lễ hội thu hoạch mà còn là ngày lễ tưởng nhớ những người đã khuất, là ngày sum họp đoàn tụ gia đình. Ngày nay, Chuseok được coi là dịp lễ tạ ơn ở Hàn - là ngày mà mọi người bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
Singapore
Tết Trung thu là thời điểm lý tưởng để mọi người gửi những lời chúc, món quà may mắn tới người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh. Một trong những món quà được sử dụng nhiều nhất là bánh Trung thu.
Một trong những nơi tổ chức ngày Tết này rầm rộ nhất là khu phố của người Hoa. Tại đây, người ta bán đèn lồng và các vật dụng liên quan đến ngày Trung thu. Thông thường, hoạt động này được tổ chức trước đó hàng tháng trời.
Malaysia
Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày Rằm tháng 8. Ngoài ra, họ cũng thắp đèn lồng trong ngày này. Trong suốt mùa lễ hội, bánh Trung thu được bày bán ở hầu hết các quầy hàng. Báo chí và truyền hình cũng đều có nội dung hướng về ngày lễ truyền thống này.
Trong ngày này, người dân cũng tổ chức múa lân, múa sư tử và các hoạt động vui chơi giải trí được yêu thích khác.
Thái Lan
Người Thái cũng tổ chức lễ Trung thu vào đúng ngày 15/8 Âm lịch. Vào dịp này trên khắp đất Thái người ta tổ chức lễ cúng trăng và mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu.
Theo quan niệm của người Thái, khi làm như vậy Bát Tiên sẽ mang quả đào đó tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác, đồng thời chứng giám cho những lời ước nguyện của mọi người.
Đèn ông sao - món đồ chơi đặc trưng trong dịp Trung thu ở Việt Nam.
|
Tại Nhật, ngày Tết Trung thu là ngày người dân vừa thưởng trăng, vừa uống trà và trò chuyện dưới mái hiên nhà.
|
Lễ Chuseok là dịp Tạ ơn của người dân Hàn Quốc.
|
Khu phố Tàu ở Singapore thường bày bán nhiều đồ trang trí dành cho Tết Trung thu.
|
Malaysia là một trong các quốc gia châu Á có phong tục làm bánh Trung thu vào ngày Rằm tháng Tám.
|
Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi - tượng trưng cho sự đoàn viên, ngọt ngào.
|