Kinhtedothi - Ngày 7/1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và các đơn vị liên quan có cuộc làm việc với Ban Pháp chế HĐND TP về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết. Những vấn đề về buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP… trên địa bàn Hà Nội đến hẹn lại "nóng".
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2013, đã có nhiều vụ việc vi phạm ATTP được phát hiện, bị xử lý, song tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vấn đề nhức nhối nhất vẫn là các vi phạm liên quan đến vấn đề ATTP, gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, phụ gia thực phẩm….
Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Anh Dũng
|
Tính riêng từ đầu tháng 12/2013 đến nay, Chi cục đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, sản xuất hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hàng hóa nhập lậu, không đảm bảo ATTP. Mới đây nhất, ngày 5/1, Đội Cảnh sát kinh tế thương mại, Phòng PC46 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 đã phát hiện và thu giữ 15 tấn mì chính, 4,5 tấn ô mai và hàng ngàn chiếc bản lề cửa không có hóa đơn chứng từ xuất xứ nguồn gốc của lô hàng trên xe ô tô đang di chuyển tại địa bàn xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.
Năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 9.145 vụ, xử lý 8.542 vụ vi phạm. Tổng số thu 107 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2012; trong đó phạt hành chính 24,3 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu 9,8 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu chưa bán 52 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 20,7 tỷ đồng. |
Trong năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 378 vụ vi phạm về đo lường chất lượng, hơn 1.000 vụ vi phạm về ATTP, phạt hành chính 6,36 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo chất lượng trị giá trên 10 tỷ đồng, gồm gia cầm sống, sản phẩm từ gia súc gia cầm, sản phẩm chế biến sẵn, phụ gia thực phẩm... Đáng chú ý, đã bắt đầu xuất hiện cả các mặt hàng nhập lậu mới như cá, ốc, ếch, hải sản và cả đại bàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ hàng lậu, hàng nhái, hàng giả cũng ngày càng tinh vi. Thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu bánh kẹo mang nhãn mác Việt Nam nhưng lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu khi đặt hàng các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc làm giả, làm nhái các sản phẩm sản xuất trong nước sau đó nhập lậu trở lại thị trường nội địa để tiêu thụ. Cũng có tình trạng, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa gần hết ngày sử dụng, khi về đến Việt Nam, các hàng hóa này được "hô biến" với hạn sử dụng mới.
Kiểm tra có trọng điểm
Năm 2014, kinh tế trong nước vẫn sẽ khó khăn do tốc độ phục hồi chậm. Bởi vậy, dự báo các hành vi vi phạm về buôn lậu, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP… vẫn khó giảm. Sản xuất, kinh doanh trong nước càng khó khăn thì tội phạm sẽ lại càng tìm cách hoạt động tinh vi hơn. Bởi vậy, dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và năm 2014, các đoàn kiểm tra liên ngành đặt mục tiêu tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đảm bảo ATTP. Công tác kiểm tra có trọng điểm và không tiến hành tràn lan, tập trung kiểm tra tại các cửa hàng lớn, các điểm tập kết kho tàng, bến bãi… Việc kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng và ATTP vẫn sẽ được các cơ quan kiểm tra đặc biệt chú trọng. Điều này vừa nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hàng lậu, hàng cấm; vừa đảm bảo cho doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất kinh doanh.
Ngày 7/1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình của Bộ Công Thương về thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm ATTP.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu và gian lận thương mại. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Báo cáo của Bộ Công Thương đã không đánh giá được hậu quả của buôn lậu là phá hoại nền kinh tế đất nước, làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Nguyên nhân không nhỏ của vấn đề này là tiêu cực trong chính lực lượng chống buôn lậu, thậm chí đang có tình trạng làm ngơ cho các đối tượng buôn lậu mà dẫn chứng cụ thể là vụ buôn lậu hàng ngàn lít dầu DO của Công ty Hoàng Sơn (Thanh Hoá) và vụ buôn lậu hàng ngàn bao thuốc lá tại Quảng Ninh vừa qua, và nhất là vụ 230kg ma tuý lọt qua cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất... Một số đại biểu còn thẳng thắn cho biết nhận được rất nhiều đơn thư phản ánh của nhân dân đối với những tiêu cực của lực lượng quản lý thị trường.
Minh Hoàng
|