Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tết Việt trong lòng các Đại sứ

Cẩm Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những nhà ngoại giao có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến những vị Đại sứ lần đầu được đón Tết cổ truyền của người Việt, ai cũng háo hức đón chờ khoảnh khắc Giao thừa và mang trong mình những xúc cảm thật đặc biệt.

 Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul
Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul: Cảm nhận sự hiếu khách của người Việt
Tôi đã ở đây vào Tết năm ngoái và may mắn được mời đến dự một bữa cơm tất niên ở nhà một người bạn Việt Nam vào dịp này. Không những được thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam, tôi còn có cơ hội cùng tham gia gói bánh chưng. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời.
Lễ Tết truyền thống khiến tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự hiếu khách của người Việt cũng như nền ẩm thực tuyệt vời và hiếm có của các bạn. Đó không chỉ là dịp để các gia đình quây quần, sum họp mà còn để điểm lại kết quả của một năm đã qua để tiến đến phía trước.
Đại sứ Palestin tại Việt Nam Saddi Salama: Tết Hà Nội có nét lôi cuốn riêng
Sau gần 4 thập kỷ gắn bó với mảnh đất Việt Nam, tôi có rất nhiều ấn tượng với Tết truyền thống của người Việt, nhất là cái Tết đầu tiên vào năm 1980 khi tôi vẫn là một du học sinh. Đó là khung cảnh hàng nghìn người tấp nập đến hồ Hoàn Kiếm để cùng nhau đón Giao thừa ấm áp, tươi vui.
 Đại sứ Palestin tại Việt Nam Saddi Salama.
Tết là dịp để mọi người thưởng thức thành quả của cả một năm lao động vất vả. Năm nay đánh dấu cái Tết thứ 18 tại Việt Nam, tôi đã có thể giải thích rõ cho những người khác về các tập tục lễ Tết truyền thống của người Việt, chẳng hạn như thờ cúng ông Công ông Táo và thói quen trang trí nhà cửa với cành đào, chậu mai cũng như tầm quan trọng của những phong tục này trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.
Ở Hà Nội có lẽ sẽ cảm nhận rõ cái Tết Việt. Là một người khá lãng mạn nên tôi còn thương mến Hà Nội bởi những nét đẹp rất riêng.
Hà Nội có rất nhiều hồ và những con phố xinh đẹp. Có tới 36 con phố cổ để ta dạo quanh ngắm phố phường. Ngoài ra, Hà Nội còn có những nơi để thưởng thức cà phê, đi dạo bộ quanh Hồ Gươm vào sáng sớm. Những lúc ấy, tôi đi với tâm thế là một người dân Hà Nội, chứ không phải một “ông Đại sứ”.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verm
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma: Háo hức đón chờ Tết Việt
Đây là lần đầu tiên tôi ở Việt Nam vào dịp Tết. Được nghe kể về những phong tục đón Tết đặc biệt của người Việt và cảm nhận được không khí ấm cúng tràn ngập từ những ngày cuối năm, tôi thực sự háo hức, mong chờ vào một cái Tết đúng nghĩa cùng đồng nghiệp và bạn bè Việt Nam.
Tết cổ truyền là ngày lễ quan trọng nhất trong năm đối với người dân Việt Nam và được tổ chức không chỉ ở khắp đất nước mà còn bởi cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đây cũng là dịp để ghi nhớ tầm quan trọng của truyền thống văn hóa cũng như giá trị của sự gắn kết gia đình và gắn kết xã hội.
Tôi muốn gửi đến người dân Việt Nam lời chào nồng nhiệt nhất cho Tết Nguyên đán và một năm mới hạnh phúc, thịnh vượng. Tôi cũng hy vọng rằng trong năm mới, mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Chúc mừng năm mới!