Tết Việt trong mắt các nhà ngoại giao: Giá trị gia đình trong ngày Tết

Lan Hương - Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với các nhà ngoại giao nước ngoài, Tết cổ truyền Việt Nam không đơn thuần là một kỳ nghỉ lễ thông thường. Tết đến, phố xá Hà Nội như bước vào một không gian khác, yên bình, lắng đọng hơn để mỗi người khách của mảnh đất này dễ dàng cảm nhận được nét đẹp của văn hóa truyền thống sau những bận rộn của cuộc sống thường ngày.

 
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: Văn hóa Việt gói gọn trong Tết cổ truyền
Những nét truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán là những gì quan trọng nhất thể hiện bản sắc của văn hóa Việt. Hãy nhìn vào sự quan trọng của Tết cổ truyền của người Việt sẽ thấy: Các thành viên trong gia đình quây quần, ý nghĩa của chiếc bánh chưng, đó là mối quan hệ giữa Trời và Đất, giữa con người và thiên nhiên. Hay sự tích ông Công ông Táo, câu chuyện về người chồng mới, người chồng cũ và người vợ đã được hội ngộ trên Thiên đường, trở thành những "thần bếp" bảo vệ gia đình đại diện cho những giá trị mang tính đạo đức và tính cân bằng trong văn hóa và con người Việt Nam.

Điều mà tôi ngưỡng mộ ở văn hóa Tết cổ truyền của Việt Nam là sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình có 3 hay 4 thế hệ cùng chung sống. Ý nghĩa của việc làm một chiếc bánh chưng từ những vật liệu đơn giản gắn liền với đời sống sinh hoạt như thịt lợn, gạo, đỗ xanh... thành biểu tượng cho Trời và Đất là điều rất tuyệt vời.
 
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick: Ngưỡng mộ giá trị gia đình trong ngày Tết

Việt Nam là một quốc gia đa dạng, với cảnh vật thiên nhiên, không gian và ẩm thực phong phú. Tất cả đều có vẻ đẹp riêng. Tôi đã may mắn được đến 21 tỉnh, TP của Việt Nam và tôi hy vọng sẽ đặt chân đến tất cả 63 tỉnh, TP của đất nước các bạn trong nhiệm kỳ của mình. Ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế, tôi cũng đến các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các tỉnh miền núi Tây Bắc như Sơn La, Tuyên Quang và Yên Bái.
Ở tất cả những địa danh đi qua, tôi đều nhận thấy mối quan hệ ngoại giao đang ngày một phát triển giữa Australia và Việt Nam, thông qua những du học sinh, các liên kết kinh tế và dự án phát triển... Với Hà Nội, đây là một TP tuyệt đẹp mà tôi từng ghé thăm vào năm 1998. Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, nhưng sự hội tụ của những con người tinh hoa và nét ẩm thực tinh tế thì không thay đổi.

Tôi đã nghe rất nhiều về Tết ở Việt Nam. Đặc biệt, nhiều người kể với tôi rằng, vào mấy ngày Tết, Hà Nội trở nên vô cùng yên tĩnh, giống như Hà Nội của nhiều năm trước đây. Vì vậy, tôi rất háo hức mong chờ được đón Tết ở Việt Nam cùng gia đình. Có nhiều yếu tố trong văn hóa Australia tương đồng với Việt Nam, trong đó có việc gia đình đoàn tụ, quây quần và cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống trong những dịp lễ đặc biệt như lễ Giáng sinh ở Australia hay Tết ở Việt Nam. Theo tôi, việc đề cao giá trị của gia đình là một nét đáng ngưỡng mộ trong văn hóa Việt Nam.
 
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg: Ngắm Hà Nội trong sáng đầu năm

Tôi rất háo hức ngắm Hà Nội trong Tết. TP biến chuyển từ một nơi đông đúc, sầm uất trở về với vẻ trầm tư vốn có. Phố xá thưa thớt người, âm thanh xe cộ, tiếng nói, tiếng cười giảm xuống. Tôi sẽ đi xe đạp vòng quanh Hồ Tây rồi tới khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm để ngắm nhìn phố xá im lìm vào buổi sáng đầu năm trong trẻo.

Khi tới Hà Nội, tôi đã thêm hiểu về Việt Nam và “phải lòng” mảnh đất Kinh kỳ. Đi dạo Hồ Gươm, ngồi uống trà đá vỉa hè, thưởng thức bún thang, là một trong nhiều cách để tôi hiểu về Thủ đô ngàn năm tuổi. Sau 20 năm trở lại Việt Nam, từ 1996, mảnh đất này là tinh thần kiên cường của con người Việt Nam sau rất nhiều biến cố lịch sử vẫn trường tồn mạnh mẽ.