Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạc sĩ 9x mang "người bạn thông minh" chăm sóc sức khỏe toàn diện đến với người cao tuổi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đánh giá là một nền tảng tiên phong trong công tác chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người cao tuổi ở Việt Nam, ứng dụng HASU đã hỗ trợ tới hơn 10.000 người cao tuổi sau hơn 1 năm ra mắt. Dự án xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp tạo tác động xã hội của UNDP năm 2020. Người sáng lập (Founder) của dự án là Ngô Thùy Anh - một Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh trở về từ Mỹ.

Trăn trở chăm sóc người cao tuổi
Được sống và học tập ở một nước phát triển, tiên tiến như Mỹ, sau khi trở về Việt Nam, Ngô Thùy Anh đã sớm nhận ra sự chênh lệch trong dịch vụ chăm sóc dành cho 2 nhóm tuổi ưu tiên trong xã hội là người già và trẻ em. Theo Thùy Anh, ở Việt Nam, thị trường dành cho trẻ em với rất nhiều sản phẩm từ giáo dục đến thể thao, giải trí… trong khi sự quan tâm của xã hội dành cho người cao tuổi còn rất nhiều hạn chế.
“Con cháu thường nghĩ quan tâm tới ông bà, bố mẹ thì nên tặng các món quà vật chất như thuốc, thực phẩm chức năng… Thế nhưng, những đồ vật vô tri vô giác ấy không bao giờ có thể giúp người cao tuổi cảm thấy bớt cô đơn và quên đi bệnh tật. Cái họ cần là sự sẻ chia, quan tâm đúng mức từ thế hệ trẻ và cả xã hội” – Thùy Anh trăn trở.
 Founder HASU Ngô Thùy Anh
Để chia sẻ nỗi cô đơn và lo lắng khó nói của người cao tuổi, nhất là trong dịch bệnh Covid-19, Thùy Anh đã phát triển ứng dụng trên điện thoại cho người cao tuổi đầu tiên tại Việt Nam mang tên HASU. Ứng dụng đúng nghĩa là một người đồng hành, “người bạn thông minh” với những người cao tuổi.
Đối tượng người dùng chính mà HASU hướng tới là những người từ 50 tuổi trở lên. Họ là đối tượng đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong xã hội khi sức khoẻ giảm sút, nhu cầu về sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần đều chưa được đáp ứng trong bối cảnh toàn cầu đang già hoá dân số.
Khi sử dụng HASU, người cao tuổi sẽ có thêm một “người bạn thông minh” để giao lưu, học tập và nâng cao sức khỏe tinh thần lẫn thể chất ngay tại ngôi nhà của mình. Các tiện ích của HASU bao gồm xem phim, đọc sách, tham gia các khóa học online như nghệ thuật, thiền định, nấu ăn… Đặc biệt, trên ứng dụng còn có bài tập luyện thể chất và các nội dung bằng hình thức video và audio về chăm sóc sức khỏe từ các bác sĩ, chuyên gia và phần kết nối giúp họ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người khác. Các nội dung về tư vấn sức khỏe đều đã được các bác sĩ, chuyên gia thẩm định trước khi phát hành. Không chỉ vậy, các bài tập đã được thiết kế với từng nhóm độ tuổi, tình trạng sức khỏe khác nhau.
Tối ưu hóa ứng dụng với người dùng
Thùy Anh bộc bạch, việc lựa chọn phát triển ứng dụng dành cho người cao tuổi thực sự là một thử thách khó với cô, bởi rào cản lớn nhất để người cao tuổi tiếp cận với dự án là kỹ năng sử dụng smatphone. Do đó, khó khăn mà HASU cần giải quyết là làm sao để phổ cập kiến thức công nghệ và internet cho người cao tuổi ở các địa phương. Khi thiết kế ứng dụng, đội ngũ đã thiết kế giao diện hết sức tối giản và thân thiện với người dùng. Dựa trên thao tác khi dùng smatphone của người cao tuổi, HASU có các phím bấm cỡ lớn. Về nội dung cũng thiên về sử dụng hình ảnh, video, âm thanh. Chỉ cần một vài lần hướng dẫn là người cao tuổi hoàn toàn có thể chủ động sử dụng.
 Người cao tuổi sử dụng ứng dụng HASU
Theo Thùy Anh, tâm lý chung của các founder khi mới khởi nghiệp là tô vẽ màu hồng về tương lai sản phẩm của mình. Nhiều người mường tượng về kết quả, phản ứng của thị trường… nhưng thực tế đó chỉ là giả thuyết. “Do đó, khi phát triển HASU, tôi không ngồi trong văn phòng và đoán về nhu cầu của người cao tuổi. Tôi cùng cộng sự đã khảo sát, thực hiện các bài test để thử nghiệm sản phẩm và nghiên cứu thị trường” – Thùy Anh cho hay. Bên cạnh đó, HASU cũng có đội ngũ chuyên gia là những người cao tuổi chia sẻ về các vấn đề của họ và đưa ra phản hồi liên tục.
Founder HASU chia sẻ, dịch Covid-19 là một thách thức với dự án. Đội ngũ HASU đã lên rất nhiều kế hoạch truyền thông trực tiếp tại 63 tỉnh thành để người cao tuổi khắp cả nước có thể trải nghiệm sản phẩm. Nhưng tạm thời các sự kiện đông người chưa được diễn ra nên team đã phải chuyển sang các kế hoạch khác. Tuy nhiên, HASU cũng tìm được cơ hội trong đại dịch, khi nhu cầu sử dụng internet của người dân tăng cao, trong đó có người cao tuổi. Do đó, số người dùng của dự án tăng lên nhanh chóng. Sau hơn 1 năm ra mắt, hiện HASU đã có hơn 10.000 người dùng.
Là một sản phẩm công nghệ, HASU luôn phát triển và cải thiện nhanh chóng để đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Vì vậy, ứng dụng thường xuyên được cập nhật các thông tin và tính năng mới nhất. Đội ngũ phát triển dự kiến tổ chức chương trình tập huấn tại 63 tỉnh thành để người cao tuổi khắp cả nước có thể trải nghiệm sản phẩm. Hiện tại HASU vẫn đang tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để dự án được lan tỏa. Dự án đã giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp tạo tác động xã hội của UNDP 2020; đại diện Việt Nam tham gia Google SDGs; lọt top 10 cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - TECHFEST 2020; top 10 giải thưởng Doanh nhân cộng đồng Blue Venture Award; top 3 chung kết Cúp khởi nghiệp toàn cầu tại Việt Nam năm 2021; vào vòng chung kết Cúp khởi nghiệp Đông Nam Á năm 2021.