Thạch Thất: Thí điểm thành công mô hình giống lúa thuần chất lượng cao Hana 167

Vũ Vân - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất (Hà Nội) Nguyễn Văn Toàn, sau thời gian thí điểm trong vụ hè - thu, kết quả phân tích số liệu từ mô hình khảo nghiệm cho thấy lúa Hana 167 cho lợi nhuận tăng so với cấy giống lúa Bắc thơm số 7 trên 5,5 triệu đồng/ha, tương đương khoảng 15,7%.

Theo đó, mô hình thí điểm giống lúa thuần chất lượng cao Hana 167 tại xã Hương Ngải với diện tích 0,5ha, cấy theo phương pháp mạ khay máy cấy, đối chứng với giống lúa Bắc thơm số 7 đây là giống lúa mới sản xuất trong nước và đã được công nhận giống quốc gia.
Khu vực thí điểm mô hình giống lúa chất lượng cao Hana 167 tại huyện Thạch Thất. (Ảnh: Vũ Vân).
Qua sản xuất thực tế cho thấy: Giống lúa Hana 167 có nhiều ưu điểm vượt trội so với những giống lúa thuần đang gieo cấy đại trà tại địa phương. Lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ xuân 130 ngày, vụ mùa 105 ngày, cứng cây, chống đổ tốt, bông dài, tỷ lệ hạt chắc/bông cao; giống nhiễm nhẹ sâu đục thân, rầy nâu, sâu cuốn lá; năng suất đạt 65,2 tạ/ha, cao hơn so với giống lúa đối chứng 18,3%. Kết quả phân tích số liệu từ mô hình khảo nghiệm cho thấy lúa Hana 167 cho lợi nhuận tăng so với cấy giống lúa Bắc thơm số 7 là 5.555.000 đồng/ha, tương đương khoảng 15,7%.
Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Toàn, hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chỉ chiếm 5 - 6% cơ cấu kinh tế, trong khi đó số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều. Chính vì vậy, Huyện luôn quan tâm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, hiện nay gần 100% giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất.
“Giống lúa Hana 167 đáp ứng được yêu cầu đó, phù hợp với định hướng của huyện, lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn. Huyện sẽ tiếp tục triển khai các mô hình khảo nghiệm giống đối với các vùng đất khác để có căn cứ, đánh giá chính xác các đặc tính sinh học của giống lúa trước khi triển khai vào gieo cấy đại trà trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo” - ông Nguyễn Văn Toàn cho hay.
Từ hiệu quả thực tế của mô hình, Trưởng phòng Trồng trọt - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Hà Nội Mai Linh Hương, đề nghị huyện Thạch Thất tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung ứng giống triển khai thêm một số mô hình khảo nghiệm các giống lúa trên địa bàn.
“Cần nghiên cứu xác định quy hoạch các vùng lớn để sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ cho bà con nông dân, những sản phẩm hướng đến sản xuất hữu cơ chất lượng cao góp phần đáp ứng thị trường, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân” - bà Mai Linh Hương nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần