Không ngạc nhiên với "bệnh" của DNNN từ lâu, song các chuyên gia thực sự lo ngại, đây thực sự là mối đe dọa đầy rủi ro, cơ hội để các "mầm bệnh" lây lan nếu không được chữa trị.
Cần có giải pháp, xử lý dứt điểm tình trạng nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Tú Chi
|
Chưa có cơ chế giám sát hiệu quả
Theo báo cáo, số nợ của 127 tập đoàn (TĐ) kinh tế, tổng công ty Nhà nước (TCT) hiện là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Các TĐ, TCT được cho là có nợ nước ngoài hàng ngàn tỷ đồng có: TĐ Điện lực với 112.625 tỷ đồng; TCT Hàng không Việt Nam là 27.837 tỷ đồng; TĐ Dầu khí gần 16.000 tỷ đồng… Không chỉ nợ lớn, báo cáo cũng cho thấy tính đến 31/12/2012, có 25 TĐ, TCT lỗ lũy kế 17.033 tỷ đồng (TĐ Điện lực 3.143 tỷ đồng; TCT Xây dựng đường thủy 710 tỷ đồng; TCT Hàng hải Việt Nam là 10.239 tỷ đồng…) và 16 công ty mẹ khác lỗ lũy kế 11.820 tỷ đồng.Đây không phải là lần đầu tiên nợ của DNNN được công bố. Trước đó, rất nhiều báo cáo đưa ra những khoản nợ khổng lồ của khối này và đã có sự cảnh báo song đến nay con số nợ không giảm mà còn tăng lên. Theo các chuyên gia, sự thiếu minh bạch trong đầu tư, trong hoạt động sản xuất kinh doanh là nhân tố dẫn đến lỗ và nợ nần chồng chất của DNNN, trong khi mô hình quản lý lại nhiều đầu mối và kém minh bạch. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, con số nợ nói trên của 127 TĐ, TCT, công ty mẹ - công ty con rất đáng lo ngại. Bởi lẽ, con số nợ 1.348.752 tỷ đồng này tương đương với 62 - 63 tỷ USD, gần bằng một nửa GDP của Việt Nam trong năm 2012 (khoảng 136 tỷ USD). Theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ cần có báo cáo giải trình chi tiết hơn về nguyên nhân nào dẫn đến nợ, phương án, khả năng trả nợ và hiệu quả quản lý tài chính ra sao, đồng thời phải nói rõ trách nhiệm giải trình, giám sát trong thời gian qua được thực hiện như thế nào mà để xảy ra nợ lớn như vậy.
Cần nhìn nhận đúng và xử lý dứt điểm
Khẳng định nợ DNNN không còn là chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" bởi đây chính là nút thắt lớn nhất tại sao khu vực DNNN vẫn chưa tái cơ cấu được. TS Trần Du Lịch phân tích, các TĐ, TCT này được cấp tiền để làm ăn nhưng thua lỗ, rồi lại được cấp tiếp, rồi thua lỗ... Vòng luẩn quẩn vay, không trả nổi, khoanh nợ diễn ra liên tục chính là nguyên nhân khiến tình trạng nợ của các TĐ, TCT ngày càng phình ra. “Chúng ta phải xử lý được vấn đề nợ chồng chất một cách minh bạch, thậm chí không tiếc. Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng nếu như chúng ta không quyết tâm làm thì công cuộc tái cơ cấu sẽ thất bại” - ông Lịch gay gắt.
Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, cần áp dụng cơ chế thị trường ở đây, có nghĩa là buộc các DNNN khi làm phải tính toán trên cơ sở mục tiêu lợi nhuận và đầy đủ hiệu quả kinh tế, phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu. Và câu chuyện áp dụng cơ chế thị trường ở đây có nghĩa là đã làm ăn thua lỗ thì phải phá sản, nếu không phá sản, họ lại dựa vào cái ô ngân sách "mềm" của Nhà nước, tạo áp lực cho ngân sách. "Bài học của Vinashin, Nhà nước có thể chuyển đổi thành một công ty nhỏ hơn nhưng toàn bộ gánh nợ của Vinashin vẫn còn nguyên đó? Công ty mới chỉ gánh được một phần còn toàn bộ phần nợ của Vinashin là chia đều cho cả xã hội gánh. Đấy là điểm hết sức bất cập" - ông Sơn chỉ ra.
Các chuyên gia đều cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận đúng về nợ của DNNN để có những giải pháp cụ thể, xử lý dứt điểm, minh bạch số nợ này. Chính phủ cần rà soát lại, những DN nào thua lỗ kéo dài, không thể cứu vãn nên cho giải thể; DN có tiềm năng thì có thể bán, không cần cổ phần hóa theo kiểu giữ cổ phần chi phối.
Trong một báo cáo về DNNN mang tên: "Thách thức còn ở phía trước" được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố mới đây, các tác giả cho rằng yếu kém của DNNN đã gây tác động tiêu cực lên bức tranh nợ xấu. Trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức cao, thâm hụt ngân sách trong năm 2012 tăng trở lại thì khả năng hỗ trợ của ngân sách để giảm nợ cho khu vực Nhà nước sẽ vô cùng khó khăn.