Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức, cơ hội từ các quy định mới của EU trong sản xuất cà phê

Theo Hương Lý/VOV
Chia sẻ Zalo

Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Quy định này thể hiện trách nhiệm của EU đối với vấn đề môi trường toàn cầu, tuy nhiên, đối với người  sản xuất cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đây sẽ là thách thức và cơ hội của ngành hàng cà phê khi xuất khẩu.

Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, với Dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng vừa được Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) thông qua về cơ bản không tác động nhiều đến cà phê của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, bởi EU lấy mốc thời gian từ năm 2020 trở lại đây, trong khi đó cà phê của Đắk Lắk đã phát triển ổn định từ mấy chục năm nay.

Nông dân Đắk Lắk ngày càng quan tâm đến sản xuất cà phê an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế  
Nông dân Đắk Lắk ngày càng quan tâm đến sản xuất cà phê an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế  

Đồng thời, Dự luật này cũng phù hợp với các chính sách bảo vệ rừng và phát triển cà phê của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, điều cần làm bây giờ là Việt Nam sẽ phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng sản xuất để chuẩn bị các chứng nhận cho những vùng đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu mới của EU, để khi dự luật có hiệu lực thì chúng ta sẵn sàng về mặt thủ tục cho các sản phẩm xuất khẩu.

Ông Bạch Thanh Tuấn cho rằng: “Thách thức này lớn vì đòi hỏi sự phối hợp từ cấp độ chính phủ, bộ, địa phương cho đến cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người sản xuất và chúng ta nên thực thi được các yêu cầu của EU không những thích ứng được mà chúng ta nên xem đây là cơ hội để giới thiệu về sản phẩm của mình. Thực tế giá trị của sản phẩm không chỉ đơn thuần đến từ giá trị hiện hữu. Nó là giá trị mà ở đó bao hàm luôn các giá trị được cân đối giữa môi trường, an sinh xã hội, giữa chất lượng và giá trị”.

Cà phê là một trong những nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam với gần 1,8 triệu tấn, mang lại giá trị hơn 4 tỷ USD vào năm 2022, trong đó thị trường EU chiếm gần một nửa. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, ngành cà phê của Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung, chưa bắt kịp các yêu cầu của thị trường này.

Sản xuất cà phê đặc sản đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Đắk Lắk chú trọng  
Sản xuất cà phê đặc sản đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Đắk Lắk chú trọng  

"Chúng ta chưa bắt kịp những yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc, sản xuất cân bằng cacbon, giảm rác thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn chúng ta cũng chưa bắt kịp với nó. Rồi quy định của EU về chống phá rừng có thể nói là một nội dung rất quan trọng mà chúng ta phải làm, phải đầu tư nguồn lực cho tương lai chứ chúng ta không thể đùa với câu chuyện này được” - ông Trịnh Đức Minh cho biết.

Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, ở thời điểm hiện tại ngành cà phê chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu của EU. Nhưng với việc có nhiều đề án đang được triển khai, như đề án sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận (như 4C, UTZ, RA, FLO), đề án sản xuất cà phê hữu cơ, cà phê Đắk Lắk nói riêng Việt Nam nói chung, đang dần thích nghi với xu thế phát triển của toàn cầu về sản xuất bền vững.

Ông Hiển cũng cho biết thêm: "Đối với ngành hàng cà phê được định hướng tương đối bài bản cả một quá trình. Từ sản xuất chế biến đến chất lượng cũng đã có. Đến thời điểm này chúng ta cũng đã có một nhóm để án. Thứ nhất là đề án phát triển cà phê bền vững, đề án cà phê đặc sản, đề án cà phê cảnh quan, rồi đề án tái canh”./.