Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức CPI 4%

Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chốt ở mức 4,74%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho cả năm (5%).

Nếu tính bình quân - cách tính lạm phát mới mà Tổng cục Thống kê thực hiện từ năm 2017, thì lạm phát năm 2016 chỉ ở mức 2,66%.
Tuy nhiên, dự báo những diễn biến kinh tế trong nước và thế giới trong năm 2017, không ít chuyên gia nhận định, CPI bình quân trong năm nay sẽ chịu nhiều áp lực tăng từ giá thế giới, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và chính sách tiền tệ. Do đó, để thực hiện mục tiêu Quốc hội giao là khoảng 4% đòi hỏi quyết tâm lớn trong điều hành, quản lý nền kinh tế. Nhận định này được đưa ra xuất phát từ những dự báo về giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới có khả năng tăng (khi giá dầu thô đã tăng trên 5% sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng trong tháng 12/2016); Giá một số dịch vụ giáo dục, điện, than, xăng dầu…, đặc biệt là dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình; Nhiều nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí và Lệ phí nếu tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Việc tăng lương cơ sở 7,4% lên 1,3 triệu đồng/tháng có hiệu lực từ ngày 1/7/2017; Lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN tăng từ 6,7% - 7,5% ngay từ đầu năm 2017... sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá và mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 tương đối cao là 6,7%, trong khi cầu trong nước chưa tăng mạnh sẽ tạo sức ép lên lạm phát… Và một tác nhân nữa phải đề cập đến, đó là mặc dù phải thắt chặt chi tiêu cả chi tiêu Chính phủ và chi tiêu dân cư nhưng xu hướng nền kinh tế phục hồi cùng với các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón có thể tiếp tục tăng giá cũng sẽ tác động không nhỏ lên CPI năm 2017.
Rất nhiều thách thức lên CPI năm 2017 đòi hỏi những nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Một số giải pháp cụ thể được đưa ra, đó là: Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản dưới 2%; Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (điện, nước sạch, xăng dầu..); Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý bằng cơ chế giá; Tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, điện, dịch vụ sự nghiệp công...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; Giám sát chặt chẽ kê khai giá của DN…