Và hệ quả là bất chấp các quy định của Trung Quốc, chưa bao giờ trên bầu trời của vùng biển Hoa Đông lại xuất hiện nhiều máy bay chiến đấu đến thế. Trong đất liền, các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc - Trung Quốc đã lập tức được tổ chức sau khi Seoul khẳng định ADIZ của Bắc Kinh đã chồng lấn lên ADIZ của nước này. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến ADIZ mà Trung Quốc thiết lập không đơn thuần chỉ là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa tam giác quyền lực tại châu Á là Bắc Kinh - Tokyo - Seoul. Với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực, ADIZ của Trung Quốc đã trở thành thách thức nghiêm trọng với chiến lược xoay trục của Washington. Động thái này của Bắc Kinh đã từng bước đẩy Mỹ ra khỏi phần không phận quốc tế vắt ngang tuyến phòng vệ hải đảo thứ nhất kéo dài từ các đảo phía nam Nhật Bản, ngang qua Đài Loan (Trung Quốc), Philippines tới khu vực nam biển Đông. Vì thế, không ngạc nhiên khi Phó Tổng thống Mỹ John Biden đã lên lịch công du châu Á vào tuần tới. Ngoài chặng dừng chân Tokyo và Seoul, ông Biden còn tới Bắc Kinh nhằm làm sáng tỏ quan điểm của Trung Quốc khi thiết lập ADIZ. Chuyến thăm của ông Biden có thành công hay không vẫn còn phụ thuộc vào cách mà Mỹ - Nhật - Hàn phối hợp hành động thế nào để gây áp lực tới Trung Quốc trong vấn đề ADIZ. Tuy nhiên, với vị thế chính trị và kinh tế hiện nay, thách thức mang tên ADIZ của Bắc Kinh sẽ mất nhiều thời gian, tâm sức của các bên liên quan để giải quyết.
Ngày 28/11, Ngoại trưởng Philippines A.del Rosario bày tỏ lo ngại, Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Cùng ngày, Nhật Bản cho biết, có thể đưa vấn đề về ADIZ vào chương trình nghị sự tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản tổ chức ở Tokyo tháng tới. |