Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức nào đang chờ đợi tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải?

theo VOV
Chia sẻ Zalo

"Để đạt mục tiêu của Quốc hội và Nghị quyết Trung ương đề ra trong bối cảnh còn thiếu cơ sở pháp lý lẫn nguồn lực là thách thức rất lớn".

Đại biểu Đỗ Văn Sinh – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế đương nhiên phải phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Nhưng cả hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta từ đường bộ, thuỷ, hàng không, đường sắt đều đang thiếu để phát triển một nền kinh tế bền vững.
Điều quan trọng nhất sắp tới là ưu tiên đầu tiên xem xét vấn đề quy hoạch xem đã phù hợp chưa, bước đi như thế nào cho phù hợp với Việt Nam, đòi hỏi Tư lệnh ngành phải có cái nhìn tổng thể.
Trong hoàn cảnh nguồn lực khó khăn thì rõ ràng sắp tới chúng ta phải tiếp tục kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, trong đó có BOT. Muốn vậy phải khắc phục những hạn chế vừa qua, trước hết là về mặt hoàn thiện hệ thống pháp luật.
 Đại biểu Đỗ Văn Sinh – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Tức làm thế nào để đạt mục tiêu của Quốc hội và theo Nghị quyết Trung ương đề ra trong bối cảnh thiếu cả cơ sở pháp lý lẫn nguồn lực là thách thức rất lớn đối với ngành giao thông.
PV: Theo ông, trước thực tế hiện nay, đâu là thuận lợi và khó khăn đối với người sắp tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT?
Ông Đỗ Văn Sinh: Tôi nghĩ rằng đứng trước tình hình như thế bao giờ cũng có cả mặt thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là những tồn tại của giai đoạn trước đến bây giờ đã được chỉ ra.
Ví dụ như BOT vừa rồi đã có đánh giá của Chính phủ, giám sát của Quốc hội. Đó là thuận lợi để tân Bộ trưởng khắc phục và làm tốt hơn trong giai đoạn tới.
Tuy vậy, cái khó là chúng ta triển khai ở tâm thế hoàn toàn theo phương thức mới. Như trước đây BOT toàn chỉ định thầu, giờ phải đấu thầu mà ta chưa có kinh nghiệm, thậm chí đã đấu thầu nhưng không thành công thì điều đó lại trở thành thách thức, đòi hỏi tân Bộ trưởng phải vượt qua.
PV: Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Theo ông, đây có phải là bài toán khó đối với tân Bộ trưởng Bộ GTVT?
Ông Đỗ Văn Sinh: Câu chuyện ở đây vẫn là về quy hoạch. Tức là Tư lệnh ngành cần có một tầm nhìn tổng thể về quy hoạch. Tôi hy vọng là Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch trong thời gian tới sẽ tích hợp được các loại quy hoạch với nhau. 
Ví dụ quy hoạch đô thị, nông thôn với quy hoạch giao thông để làm sao các tuyền đường trở thành mạch chảy nhưng đảm bảo không để lãng phí. Chẳng hạn như đã quy hoạch hệ thống giao thông phục vụ cho khu dân cư tương ứng với số dân đi lại như thế rồi mà lại cho xây nhiều nhà cao tầng thì đường tắc là phải thôi.
Cần phải có quy hoạch tích hợp thì mới giải được bài toán tổng thể đấy. Còn bây giờ mỗi ông một hướng, mỗi ông một ngả thì rõ ràng tắc là đương nhiên.
PV: Lĩnh vực giao thông được người dân rất quan tâm nên rõ ràng người ngồi trên “ghế nóng” này cũng chịu nhiều áp lực khi phải làm thế nào để giải quyết được vấn đề của ngành?
Ông Đỗ Văn Sinh: Ngồi trên ghế này là phải chịu áp lực. Thứ nhất anh đứng đầu một ngày, phải đảm bảo được mục tiêu và chỉ tiêu của quốc gia, phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về lĩnh vực anh đảm nhiệm.
Thứ hai, quan trọng nhất là phải am hiểu rất sâu về lĩnh vực chuyên môn thì mới chỉ đạo được, chứ còn chỉ đạo chung chung thì rất khó.
Thứ ba là cán bộ phải vì dân vì nước, chỉ đạo quyết liệt thì mới giải quyết được những vấn đề mà Đảng, Chính phủ, Nhân dân đặt niềm tin vào cán bộ lãnh đạo. 
Mỗi người có phương pháp khác nhau, nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là anh phải có mục tiêu rõ ràng. Vì trách nhiệm công việc chung thì bao giờ cũng được dân ủng hộ, vì mục tiêu phục vụ nhân dân thì sẽ thành công.
PV: Xin cảm ơn ông!