Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức nào đang chờ Thủ tướng Anh ở vòng đàm phán Brexit thứ 2?

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo châu Âu đều tuyên bố các cuộc đàm phán sắp tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Anh đồng ý để đàm phán Brexit bước vào giai đoạn tiếp theo, để tiến tới hoạch định quan hệ lâu dài giữa Anh và EU trong lĩnh vực thương mại và an ninh hậu Brexit.
 Thủ tướng Anh Theresa May.

Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào quá trình chuyển tiếp và quan hệ thương mại giữa hai bên sau thời điểm Anh chính thức rời đi vào ngày 29/3/2019. Các cuộc thảo luận về một giai đoạn chuyển tiếp nhằm làm yên lòng giới doanh nhân sẽ bắt đầu từ năm 2018, trong khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại Anh - EU tương lai sẽ chỉ được khởi động sau tháng 3.

Ngay trong tuần này, vấn đề được bàn thảo là các điều kiện liên quan đến thời kỳ chuyển tiếp sau khi Anh ra khỏi EU vào cuối tháng 3/2019. 

Sau khi các nhà lãnh đạo EU chính thức phê chuẩn quyết định khởi động giai đoạn tiếp theo trong các cuộc đàm phán về Brexit, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định sẽ đảm bảo quyền tiếp cận lớn nhất vào các thị trường của châu Âu, thúc đẩy thương mại tự do với các nước trên thế giới và thực hiện kiểm soát đối với đường biên giới, luật pháp và vấn đề tiền tệ.

Trước đó, giai đoạn một cuộc đàm phán Brexit đã kết thúc với việc Anh và Eu đạt thỏa thuận về các điều khoản "ly hôn", bao gồm vấn đề thanh toán tài chính, biên giới Ireland và quyền công dân sau Brexit. Phát biểu về việc này, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đều cảnh báo giai đoạn đàm phán sắp tới sẽ khó khăn hơn so với các cuộc thương lượng trước đó. 

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Anh cần làm rõ quan điểm của nước này về việc xây dựng quan hệ song phương trong tương lai sau khi Anh rời khỏi thị trường chung. "Hiện tại là lúc 27 nước thành viên trong EU chuẩn bị và có các cuộc tiếp xúc thăm dò với Anh để có cái nhìn rõ hơn về tầm nhìn của họ. Tôi nghĩ rằng, chắc chắn giai đoạn thứ hai sẽ có nhiều yêu cầu hơn, thách thức hơn so với giai đoạn đầu tiên" - ông Donald Tusk bày tỏ.  Ngoài ra, các lãnh đạo EU cũng tái khẳng định quan điểm, Anh không thể ký kết thỏa thuận tự do thương mại nào với EU trước khi hoàn thành thủ tục "ly hôn". 

Một yếu tố nữa khiến các cuộc đàm phán giai đoạn 2 về Brexit trở nên khó khăn là thời điểm này, bà May không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ khi kế hoạch thực hiện tiến trình rời EU gặp thất bại khi các nghị sĩ thông qua đạo luật trao quyền phủ quyết thỏa thuận Brexit cho Nghị viện. Đạo luật này sẽ cho phép Nghị viện Anh quyền bỏ phiếu "có ý nghĩa" với thỏa thuận Brexit, có thể buộc Chính phủ quay lại bàn đàm phán nếu các nghị sĩ không hài lòng với thỏa thuận. Vì vậy, vòng đàm phán tiếp theo sẽ là thách thức nặng nề hơn với bà Theresa May, nhất là khi ngay trong nội các vẫn chưa thống nhất về tương lai nước Anh sẽ như thế nào sau Brexit.