Nhận diện sớm bất cập
Theo quy hoạch, mạng lưới cao tốc nước ta gồm 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014km. Tính đến tháng 4/2024, đã đưa vào khai thác khoảng 2.001km, đang xây dựng 1.681km và chuẩn bị đầu tư 805km. Điều này đặt ra ngày càng nhiều thách thức trong đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên cao tốc.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia từ năm 2014 - 2023, trên các tuyến đường bộ phạm vi cả nước xảy ra 198.322 vụ TNGT. Trong đó, các tuyến đường cao tốc xảy ra 1.015 vụ, làm chết 353 người, bị thương 810 người.
Mặc dù những năm gần đây số vụ TNGT đường bộ giảm trên nhiều tiêu chí nhưng lại có xu hướng tăng trên đường cao tốc. Từ đầu năm đến nay liên tiếp có nhiều vụ tai nạn thảm khốc, làm chết người, gây cảm giác bất an, lo sợ cho người tham gia giao thông; gây ùn tắc trên đường và hư hỏng cơ sở hạ tầng cao tốc.
Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Đại học Việt Đức, đó là thách thức cho vấn đề đảm bảo ATGT trên các tuyến cao tốc Việt Nam.
Lấy ví dụ từ thực tiễn vận hành khai thác cao tốc của Trung Quốc, năm 2010 nước này có khoảng 80.000km đường cao tốc (chiếm khoảng 2% mạng lưới đường bộ) nhưng lại chiếm đến 10% số vụ TNGT đường bộ.
Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn do ý thức và hành vi của người tham gia giao thông (chiếm 70%). Việc mệt mỏi vì hành trình dài đã khiến lái xe buồn ngủ, kém tập trung. Bên cạnh đó, việc lái xe không giữ khoảng cách an toàn, sử dụng rượu bia, chất kích thích cũng là nguyên nhân gây tai nạn. Kinh nghiệm của người tham gia giao thông rất hạn chế, chưa biết cách lái xe và vượt xe an toàn trên cao tốc.
Cùng với đó là các bất cập về hạ tầng đường cao tốc, thiết kế trang thiết bị bảo hộ trên đường như hệ thống phân cách giữa và taluy 2 bên đường yếu. Việc không đủ chống lực va chạm của xe chạy tốc độ cao khiến xe dễ lao xuống vực hoặc văng sang làn đường ngược chiều gây tai nạn thảm khốc. Hệ thống biển báo chưa phù hợp, còn thiếu thông tin.
“Tại Việt Nam, các vụ TNGT trên cao tốc vừa qua hầu như đủ hết các yếu tố dẫn đến tai nạn như đã kể trên. Những bất cập này nếu không có biện pháp giải quyết phù hợp, đồng bộ thì trong những năm tới khi các tuyến đường cao tốc hoàn thành đưa vào sử dụng ngày càng nhiều thì vấn đề sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.” - PGS.TS Vũ Anh Tuấn nhận định.
Đồng quan điểm này, thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng: “Mỗi tuyến cao tốc đưa vào khai thác đã giúp kết nối giao thông, giao thương các vùng miền và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. TNGT không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản mà còn ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng và giao thông trên tuyến. Do đó, đảm bảo ATGT cần phải làm thật bài bản, bất cập được nhận diện ở đâu thì cần phải có phương án khắc phục ngay đến đó”.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, để giảm thiểu TNGT trên cao tốc cần có sự vào cuộc đồng bộ. Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi giao thông nguy hiểm trên cao tốc như: vượt quá tốc độ, vượt không đúng quy định, không đảm bảo quy tắc an toàn.
Việc kiểm tra, phát hiện các hành vi mất ATGT phải được thực hiện từ các trạm giám sát trên đường đến trạm thu phí, trạm dừng nghỉ…song song với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành cao tốc.
Về công tác giáo dục ATGT, hiện nay các tài liệu hướng dẫn về quy tắc an toàn giao thông cao tốc còn yếu, thiếu, cần phải hoàn thiện để đưa vào tuyên truyền, giảng dạy lái xe.
Cần phải áp dụng nguyên tắc thiết kế, tổ chức giao thông đảm bảo hạ tầng an toàn, khắc phục các yếu điểm của người tham gia giao thông nói chung. Rà soát lại biển báo đủ to, rõ, dễ hiểu, số lần lặp lại thông tin đối với biển chỉ dẫn, độ cứng của các dải phân cách và taluy, hệ thống chiếu sáng, phản quang…
Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, ngoài các tuyến đường cao tốc 2 làn mà Nhà nước, Bộ GTVT đang xem xét để nâng cấp thành các tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh, thì sau này có khả năng vẫn còn tồn tại một số tuyến đường 2 làn do nhu cầu đi lại không lớn.
Khắc phục bất cập của tuyến đường này, theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Thuỵ Điển, Na Uy đã làm đường cao tốc 2+1 làn. Theo đó, tuyến đường sẽ có 3 làn, 1 làn ở giữa thay đổi trên 2 chiều và từ 5 - 10km sẽ có biển báo phân làn đường hướng dẫn lái xe. Ở giai đoạn một có thể làm 2+1 làn, nếu cần giai đoạn sau đầu tư thêm 2+1 làn là 6 làn.
Hiện nay cơ sở hạ tầng đường bộ Việt Nam nói chung và cả cao tốc chưa xem xét yếu tố xe tải hạng nặng chạy trên đường. Để nâng cao ATGT, với xe tải hạng nặng phải có phân luồng riêng, tổ chức giao thông riêng.
“Cần có những quy định tốc độ lưu thông cho phép, làn sử dụng, quy định về đậu đỗ, đoạn được phép đậu đỗ. Đồng thời tuyên truyền cho người tham gia giao thông trên đường có nhiều xe tải hạng nặng phải đi sau ra sao, vượt thế nào. Đặc biệt là giám sát và xử phạt nặng những tài xế xe tải không đảm bảo quy tắc an toàn khi tham gia giao thông.” - PGS.TS Vũ Anh Tuấn nêu quan điểm.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, cùng với việc cải thiện hành vi người tham gia giao thông, hạ tầng giao thông phải khắc phục được hạn chế của con người, cần có thêm chính sách, quy hoạch về hệ thống giao thông thông minh ITS.
Hiện nay hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc còn ít, mới có 8/35 tuyến được đầu tư. Các tuyến có công nghệ khác nhau, chưa có sự chia sẻ thông tin giữa các hệ thống dẫn đến việc kiểm soát phương tiện, phát hiện và xử lý vi phạm, sự cố còn hạn chế.
“Tất cả các giải pháp được thực hiện đồng bộ chắc chắn sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc” - chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nói.