Kinhtedothi - Ngày 21/4, tại hội thảo Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, PGS TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Việc thực hiện an sinh xã hội cho người dân, cho phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian qua vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ba thách thức căn bản được bà Lan Hương chỉ ra: Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam gần đây phải đối mặt với suy giảm tăng trưởng và bất ổn vĩ mô, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp...Những yếu tố không thuận lợi nói trên làm phát sinh các hệ lụy kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của phụ nữ và trẻ em gái, gây thêm áp lực lên hệ thống an sinh xã hội vốn đã nhiều khó khăn.
Thứ hai, Luật Bình đẳng giới mới triển khai từ năm 2007, mặc dù đã phần nào cải thiện nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về bình đẳng giới, tuy nhiên chưa thể đảm bảo mục tiêu lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả vào công tác xây dựng và triển khai chính sách trong các lĩnh vực, kể cả an sinh xã hội.
Thứ ba, trong thực tế vẫn còn một số vấn đề giới đang tồn tại trong các lĩnh vực kinh tế, lao động-việc làm, bảo trợ xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo.
Tham luận tại hội thảo này, bà Shoko Ishikawa- Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho rằng: “Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới tuy nhiên định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Điều này dẫn đến việc phụ nữ bị hạn chế trong việc tham gia vào thị trường lao động. Rất nhiều phụ nữ bị trả công rẻ mạt đặc biệt trong nền kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội”.
Do vậy, giải pháp được bà Shoko Ishikawa đưa ra, đó là chúng ta phải chắc chắn rằng các chính sách và chương trình về an sinh xã hội có xem xét các yếu tố về giới. Những nhu cầu, mong muốn, trách nhiệm và khác biệt về vai trò giới phải được xem xét kỹ càng khi xây dựng các chương trình và chính sách về an sinh xã hội.
Bà Lan Hương đã đưa ra hai khuyến nghị: Đầu tiên là thực hiện lồng ghép những mục tiêu bình đẳng giới vào qua trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 15, Nghị quyết 70 về an sinh xã hội ở các cấp. Cụ thể là xem xét phê chuẩn mục tiêu về bình đẳng giới, xây dựng chương trình hành động để thực hiện. Thứ hai, ban hành “Hệ thống theo dõi đánh giá các mục tiêu bình đẳng giới trong nghị quyết 15 về an sinh xã hội”.
Đồng thời, ba giải pháp được đề ra: Là thực hiện rà soát xóa bỏ, sửa đổi những quy định bất lợi cho phụ nữ và trẻ em gái; loại bỏ/hợp nhất các chính sách đang chồng chéo trong cùng một lĩnh vực. Hai là, tăng cường tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội đáp ứng giới. Ba là, nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái để thực hiện các quyền về an sinh xã hội.