Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thăm các di tích cách mạng tại Quảng Ngãi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/4, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và đại diện hơn 30 cơ quan báo chí T.Ư và Hà Nội đã tới thăm Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.

Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi được khánh thành vào ngày 1/9/2008 với diện tích 2ha gồm các khu: Nhà đón khách, phòng chiếu phim tư liệu về cố Thủ tướng, nhà trưng bày hiện vật, nhà lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc trong những năm 1936 – 1937… Vào những tháng cao điểm, khu lưu niệm đón tiếp từ 5.000 – 6.000 lượt khách tham quan.
 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi tặng sách cho đại diện nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thăm nhà truyền thống tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, khánh thành, đưa vào sử dụng năm 2006 trên diện tích gần 4.000m2 bao gồm khu khám chữa bệnh và khu nhà truyền thống. Hiện tại, bệnh xá có 13 cán bộ, y bác sĩ, khám chữa bệnh cho 400 – 500 lượt bệnh nhân mỗi tháng.

Tại hai địa điểm trên, các thành viên của đoàn công tác đã được nghe giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cách mạng, tinh thần yêu nước cũng như những cống hiến to lớn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi chia sẻ, đoàn báo chí T.Ư và Hà Nội vô cùng xúc động khi được đến thăm các di tích gắn bó với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm – người con ưu tú của Thủ đô. Đồng chí khẳng định tấm lòng và sự hy sinh cao cả của cố Thủ tướng và bác sĩ Đặng Thùy Trâm là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng ngày, đoàn đã tới thăm và viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng – một chí sĩ yêu nước tiêu biểu những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại núi Thiên Ấn, xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi./.