Tập trung lấy ý kiến giáo viên
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK; tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng đánh giá Đạt và lấy ý kiến rộng rãi trước khi Bộ trưởng ký ban hành. Thông tin về điểm mới trong thẩm định SGK lớp 2 và 6, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, Hội đồng thẩm định tập trung trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.
Một giờ học của học sinh lớp 1, trường Tiểu học Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh |
Rút kinh nghiệm từ SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều có những nội dung chưa phù hợp đang phải chỉnh sửa, bổ sung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị: Đối với SGK lớp 2, lớp 6, ngoài lấy ý kiến của những giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giảng viên các trường đại học, giáo viên trong Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ GD&ĐT cần lấy ý kiến của giáo viên – những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Bởi đây là kênh thông tin quan trọng từ thực tế giúp Bộ và Hội đồng thẩm định có sự lựa chọn sát hơn. Khi đội ngũ giáo viên hiểu rõ, nhận định đúng và đồng thuận thì uy tín của ngành giáo dục được nâng lên.Rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia đồng thuận về việc Bộ GD&ĐT cần lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân cho bộ SGK lớp 2 và lớp 6 để tránh những "sạn". “Giáo viên trực tiếp đứng lớp có kiến thức về lĩnh vực chuyên môn, am tường tâm lý học, giáo dục học sẽ góp ý sát với thực tế hơn. Ý kiến của dư luận xã hội chỉ là một kênh tham khảo, nếu không sẽ bị loạn” – GS.TS Phạm Tất Dong – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc lấy ý kiến của giáo viên rất quan trọng và được thực hiện trong thời gian qua nhưng chưa rộng rãi do nhiều nguyên nhân. Đối với SGK lớp 2 và lớp 6 sẽ lấy ý kiến không chỉ giáo viên mà các tầng lớp khác. Thử nghiệm sách giáo khoa mới tại nhiều vùng miềnTheo quan điểm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, cần có thử nghiệm SGK mới trên diện hẹp trước, khi đủ độ an toàn mới đưa ra đại trà. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ đồng tình với việc dạy thử nghiệm SGK trong một năm học, khi có những ý kiến góp ý thì chỉnh sửa lại rồi mới triển khai dạy đại trà. Nhưng tình hình hiện nay đang dạy SGK mới lớp 1 nên không thể thử nghiệm SGK lớp 2 trên học sinh đã học sách lớp 1 theo chương trình cũ. Vì thế, ông Trần Xuân Nhĩ, kiến nghị phải làm tăng tốc, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 một vài lần, có ý kiến yêu cầu chỉnh sửa xong, đưa ra hướng dẫn và chuyển SGK mới xuống một số trường ở 7 vùng miền để giáo viên có kinh nghiệm dạy thử nghiệm và góp ý. Như vậy, mới có thể để giảm bớt tối đa "sạn" trong SGK.Trước thực tế, SGK Tiếng Việt 1, nhóm Cánh Diều có sạn đã được Hội đồng thẩm định khuyến nghị chỉnh sửa nhưng nhóm biên soạn sách không thực hiện, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm đề nghị cần làm rõ quyền của tác giả tới đâu. Khi Hội đồng thẩm định chưa thẩm định, các nhà xuất bản, người biên soạn chủ động đưa SGK lên mạng để Nhân dân đọc tham khảo, góp ý. Cùng với đó, động viên giáo viên dạy thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của SGK và có phản hồi về khả năng tiếp nhận của học sinh. Giáo viên cũng cần nêu lên những khó khăn khi dạy để chủ biên, người biên soạn SGK giải thích, hướng dẫn. Về ngữ liệu được sử dụng trong SGK, đa số các ý kiến đề nghị phải chuẩn, dễ hiểu, dễ nhớ, ý nghĩa tường minh thì nội dung bài học sẽ ấn tượng hơn với học sinh.
Hiện nay học sinh tiểu học có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin, nếu ngữ liệu không rõ ràng, khó hiểu, các em sẽ hiểu bài học theo nhiều cách khác nhau, dễ dẫn đến những sai lệch trong nhận thức. Vì thế, lãnh đạo các địa phương và chuyên gia, nhà khoa học, Nhân dân đề nghị Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến vấn đề này. |