Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Chia đều cơ hội cho doanh nghiệp

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN Việt Nam khó có thể tận dụng tối đa những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nếu môi trường kinh doanh chậm cải thiện và thiếu sự hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan với báo Kinh tế&Đô thị xung quanh vấn đề nâng cao năng lực canh tranh của DN trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.
Bà đánh giá như thế nào đối với tác động của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia đối với cộng đồng DN Việt Nam?

- Việc Việt Nam tham gia một số FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)… đã và đang tạo nên cơ hội cũng như thách thức lớn đối với cộng đồng DN Việt Nam. Không chỉ vậy, các FTA này còn tác động mạnh mẽ đối với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khi liên tiếp 2 năm 2019 và 2020 Việt Nam xuất siêu. Mặc dù Việt Nam xuất khẩu rất lớn nhưng thực tế thu nhập xuất khẩu thuộc về mình rất ít, phần lớn vẫn lọt vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
 Người lao động làm việc trong Công ty Vit Garment - Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Điều đáng nói là các cơ quan Nhà nước khi đề cập về lợi ích tham gia các “sân chơi” thương mại thường đề cập nhiều về xuất khẩu và DN FDI, còn cơ hội thị trường trong nước như thế nào lại chưa quan tâm đúng mức. Mặt khác, khi tham gia các FTA thế hệ mới, điều cần nhất là thể chế cho DN trong nước phải thay đổi, cải thiện khẩn trương. Song, phải chăng những cải cách thể chế và những việc mà chúng ta thực hiện trong thời gian qua vẫn chịu ảnh hưởng tâm lý e ngại DN FDI (do có hiện tượng “khát” FDI), cho nên chúng ta lo nhiều cho DN FDI hơn là DN trong nước.

Vậy, đâu là những rào cản đối với DN Việt Nam khi gia nhập các “sân chơi” thương mại, thưa bà?

- Trước hết là thông tin. Theo tôi, các cơ quan Nhà nước cần đưa ra thông tin một cách đúng mực với bất cứ một FTA thế hệ mới nào. Đơn cử như thời điểm năm ngoái tất cả thông tin chỉ tập trung nói về EVFTA mà gần như quên mất CPTPP. Đến khi có RCEP, thì lại tập trung quá nhiều vào RCEP. Việt Nam tham gia 2 Hiệp định khó tính như CPTPP và EVFTA với quyết tâm, khát vọng rất lớn để vươn lên thay đổi mình, nâng quan hệ với các đối tác về mọi mặt. Trong khi đó RCEP là thị trường tương đối dễ tính, dễ thâm nhập, nhưng nếu cứ dễ tính mãi thì khả năng cao lặp lại nhập siêu đối với một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Sở dĩ tôi nhấn mạnh như vậy vì chúng ta vẫn xem trọng dung lượng thị trường lớn, song điều đáng lưu ý là phải xem thực lực mình đáp ứng được bao nhiêu và không phải tất cả thị trường trong khối (đã ký FTA) mình đều chen chân được và bán được hàng. Nhiều khi thị trường nhỏ nhưng lại có giá trị lớn hơn thị trường lớn ở từng ngành hàng khác nhau.

Thứ hai, nội lực của DN Việt Nam cũng như năng lực sản xuất trong nước còn yếu. DN trong nước và sản xuất trong nước cần được coi trọng hơn nữa trong thời gian tới. Bởi, DN Việt mới làm nên sức phát triển của Việt Nam chứ không thể dựa vào các DN FDI. Tất nhiên, sự hỗ trợ, hợp tác từ các DN FDI là rất quý, nhưng họ không thay được mình trong việc nâng “chất” Việt Nam và phát triển bền vững.

Thứ ba, những cải thiện về môi trường kinh doanh trong nước vẫn chậm chạp đã gây ảnh hưởng thiếu tích cực đến các DN trong nước nhiều hơn là các DN FDI. Vì các DN FDI cùng với các cụm pháp lý và các cam kết quốc tế với Chính phủ Việt Nam, họ còn có sự hậu thuẫn đắc lực từ Chính phủ, Đại sứ quán, các hiệp hội của họ để bảo vệ, bảo hộ cho họ về sức mạnh. Trong khi các DN Việt Nam lại đang thiếu và yếu về những điều kiện hỗ trợ tương tự.

Bà có khuyến nghị nào để DN Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

- Trong bối cảnh mới, chúng ta đang có cơ hội tuyệt vời để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hội nhập quốc tế theo một cách khác khi mà dịch Covid-19 bùng phát, làm thức tỉnh cả thế giới.
Bản thân Việt Nam đã khao khát rất lâu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng khi đối tác nước ngoài chưa hưởng ứng thì chúng ta không làm được. Nhưng bây giờ đã thay đổi, trong CPTPP, Nhật Bản là nước đầu tiên đưa ra chương trình khuyến khích các DN Nhật Bản về Nhật Bản hoặc đầu tư sang các nước khác. Hay trong EVFTA, các nước EU cùng tìm kiếm các chuỗi cung ứng mới.
Như vậy, đây chính là lúc có cầu về chuỗi cung ứng mới và họ có nguồn lực, họ đang cần nhau vì cùng có mong muốn bớt đi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội tuyệt vời của Việt Nam nên phải tận dụng cơ hội này để phát triển.

Chưa khi nào cơ hội và sức ép về công nghệ lớn như bây giờ. Do đó, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DN trong nước cần phải chuyển mạnh, phải xác định là giải pháp cốt lõi để các DN tham gia được vào các chuỗi cung ứng mới. Đó là hỗ trợ nâng cao về trình độ công nghệ, về nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ chuyển giao công nghệ. Đây được coi là mũi tên trúng nhiều đích khi vừa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Xin cảm ơn bà!