Reed Tradex là đơn vị đã tổ chức nhiều triển lãm về CNHT. Theo ông, ngành công nghiệp này của Việt Nam đang ở đâu trong bản đồ khu vực, và trong thời gian tới, liệu CNHT Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới?
- Những năm gần đây, ngành CNHT Việt Nam đã có sự tăng trưởng và phát triển rất đáng kể, và Việt Nam đã vượt qua giai đoạn tự nâng cao năng lực. Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, DN công nghiệp chế tạo của các nước sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức liên doanh, qua đó sẽ chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam có thể phát triển ngành sản xuất CNHT của riêng mình.
Theo tôi, trong 3 năm tới, tính cạnh tranh của ngành CNHT Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể, và Việt Nam có khả năng xuất khẩu các phụ tùng về cơ khí, đặc biệt là phụ tùng điện tử sang các nước như Thái Lan, Indonesia...
Đây là lần thứ 6, ICS Vietnam được tổ chức, vậy triển lãm này có tạo cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận công nghệ và sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài không, thưa ông?
- Đương nhiên các triển lãm chuyên ngành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành CNHT của Việt Nam. Như các bạn đã biết, có 3 yếu tố chính mà Triển lãm đã mang đến để tạo nên sự hỗ trợ này. Thứ nhất, DN Việt Nam đã có kỹ năng. Thứ hai, Việt Nam cần phát triển ngành CNHT là công nghệ. Vì vậy, triển lãm lần này đã thu hút 57 DN Nhật Bản, qua đó các DN Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ ba, để tạo đà cho các ngành CNHT, các nhà sản xuất chế tạo phải có thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi sẽ đưa các khách mua hàng quốc tế từ khu vực ASEAN, Nhật Bản… đến tham gia Triển lãm để tìm kiếm các nhà cung cấp phụ tùng tại Việt Nam.
Việt Nam hiện đã thu hút nhiều DN tầm cỡ trên thế giới như Canon, Samsung… đầu tư. Vậy, DN Việt Nam cần làm gì để có thể hợp tác với các nhà sản xuất nước ngoài, thu hút được nguồn vốn và công nghệ…?
- Các nhà sản xuất lớn trên thế giới đến đầu tư đã tạo cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, trong đó có CNHT. Cụ thể, khi hãng Canon đầu tư vào sản xuất sản phẩm tại Việt Nam đã kéo theo hàng loạt nhà cung cấp. CNHT Nhật Bản cũng lấy Việt Nam làm nơi đầu tư sản xuất CNHT, qua đó đáp ứng nhu cầu của Canon. Đương nhiên khi muốn giảm chi phí, những DN này sẽ kết hợp với các DN Việt Nam để sản xuất. Với việc thành lập các liên doanh sản xuất hàng CNHT, những DN này sẽ chuyển giao công nghệ và bí quyết cho các công ty trong nước, đối tác Việt Nam để sản xuất sản phẩm phụ tùng.
Sau khi các DN Việt Nam tiếp thu được công nghệ sản xuất và đủ năng lực sẽ có thể đứng vững trên “đôi chân” của mình, tách ra tự sản xuất, từ đó cung cấp sản phẩm CNHT cho các nhà sản xuất Nhật Bản. Có thể nói việc thành lập các liên doanh sản xuất CNHT là một trong những cách mà các DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT nên sử dụng. Bởi cách làm này cùng một lúc có 2 tác dụng, vừa thu hút đầu tư nước ngoài, vừa tiếp cận công nghệ hiện đại, qua đó từng bước phát triển.
Xin cảm ơn ông!