Dược sĩ bắt bệnh, bốc thuốc
Mấy ngày qua, thời tiết hanh khô, chị Lê Mai Thanh (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) bị nổi mẩn đỏ khắp người, dù đã bôi kem dưỡng da nhưng tình trạng da vẫn không cải thiện. Ra hiệu thuốc gần nhà, dược sĩ bán cho chị 4 loại thuốc. Uống mấy ngày, bệnh tình không thuyên giảm, chị đi khám, đưa các loại thuốc đang dùng cho bác sĩ xem mới biết, một trong 4 loại thuốc ấy có thành phần corticoid. Đây là một loại thuốc bắt buộc kê đơn, bác sĩ vô cùng thận trọng khi kê thành phần này cho bệnh nhân, vì corticoid được ví như “con dao hai lưỡi”, nếu dùng không đúng cách. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, corticoid có các tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm, hoặc các bệnh nấm). “Khi kê đơn thuốc, chúng tôi rất thận trọng, cân nhắc khi kê corticoid, nhưng tại các nhà thuốc, nhiều dược sĩ lại vô tư cho bệnh nhân dùng” - bác sĩ Lâm nói.
Tại Hà Nội cũng như các nhà thuốc trên cả nước, tình trạng dược sĩ bán thuốc không kê đơn diễn ra tràn lan, không ai kiểm soát. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một chủ nhà thuốc tại phường Văn Quán, quận Hà Đông cho hay: “Dù biết nhiều loại thuốc phải bán theo đơn, nhưng vì nhu cầu của khách hàng nên chúng tôi vẫn bán khi khách yêu cầu. Nếu tôi từ chối họ sẽ tìm đến nhà thuốc khác để mua. Thậm chí có trường hợp, tôi khuyên nên đi khám nhưng người bệnh nằng nặc đòi kê đơn, họ bảo uống hết thuốc không khỏi mới đi viện, nên tôi đành tặc lưỡi bán cho họ”.
Tuy nhiên, tại một hiệu thuốc trên đường Kim Giang, huyện Thanh Trì, một dược sĩ khẳng định, đơn thuốc ông kê “chuẩn” hơn bác sĩ. Trẻ con, người lớn trong làng khi bị bệnh đều ra hiệu thuốc khai bệnh, ông tự tay “bốc thuốc”, trừ trường hợp bệnh nặng, dược sĩ này mới khuyên bệnh nhân đi bệnh viện.
Bác sĩ chiều bệnh nhân hay ưa “nhàn”?
Sau khi uống thuốc kháng sinh điều trị ho của một phòng khám tư, bà Nguyễn Thị Hoa bị dị ứng, nổi mẩn đỏ khắp người, khi vào Bệnh viện (BV) Bạch Mai khám, bác sĩ cho biết, bà Hoa bị dị ứng do dùng thuốc kháng sinh không đúng cách. Đơn thuốc của bác sĩ phòng khám tư kê cho bà Hoa có đến 4 loại kháng sinh, trong đó 2 loại kháng sinh cùng nhóm. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Khoa Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết, tình trạng bệnh nhân dị ứng do dùng thuốc kháng sinh không đúng cách khá nhiều. Trong số bệnh nhân bị dị ứng, bên cạnh nhiều trường hợp tự mua thuốc kháng sinh uống thì nhiều bệnh nhân được bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, có thể do trình độ, do sự cẩu thả, lười biếng mà có bác sĩ vẫn kê đơn thiếu trách nhiệm.
Với thâm niên hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực nhi khoa, quan điểm của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, là “chỉ dùng kháng sinh khi thực sự cần thiết”. Tại BV , ông đã gặp quá nhiều trường hợp bệnh nhi bị kháng kháng sinh, có những bệnh nhi dùng đến kháng sinh thế hệ 4, 5 vẫn không khỏi bệnh. Có những trường hợp bác sĩ phải “bó tay” vì không còn cách điều trị. “Kê thuốc kháng sinh cho trẻ thì dễ và “nhàn” hơn cho bác sĩ rất nhiều nhưng lại không tốt với trẻ” - ông nói và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc kê đơn kháng sinh. Trước hết, nhiều bác sĩ chịu sức ép từ người nhà, muốn bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh, cứ ho, sốt là dùng kháng sinh cho yên tâm. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bác sĩ do thời gian thăm khám quá ít dẫn đến chẩn đoán không chắc chắn hoặc không có đủ thời gian để giải thích cho gia đình vì sao không cần dùng kháng sinh.
GS.TS Nguyễn Năng An – nguyên Chủ tịch Hội Hen, dị ứng, miễn dịch lâm sàng Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo về việc lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh hen cho trẻ em. Đây là phương pháp điều trị vô cùng sai lầm, gây ra những ca tử vong không đáng có. “Nhiều bác sĩ dùng thuốc chưa đúng chỉ định, chưa nắm vững các đặc điểm và yếu tố nguy cơ của dị ứng thuốc. Việc sử dụng thuốc trong cộng đồng khá bừa bãi, nạn tự điều trị tràn lan đã gây ra những hậu quả của dị ứng thuốc vô cùng nghiêm trọng”.
Nhiều bác sĩ cứ hễ thấy bệnh nhân ho, sốt, tiêu chảy... là chỉ định sử dụng kháng sinh. Điều này là một thói quen rất tai hại dễ gây nên tình trạng kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị khó khăn, không hiệu quả. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh Theo khảo sát mới đây của Bộ Y tế, có tới 91% nhà thuốc ở nông thôn và 88% nhà thuốc ở thành thị bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc, 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. |
(Còn nữa)