Tuy vậy, sản lượng khai khoáng giảm, yếu tố thời tiết, thâm hụt ngân sách và tăng trưởng tín dụng cao là những thách thức cho Việt Nam trong thời gian tới.
Động lực chính cho tăng trưởng là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước vẫn mạnh mẽ. Lượng khách quốc tế tăng 30%, giúp các ngành dịch vụ gắn với du lịch tăng trưởng 8,9%. Dịch vụ ngân hàng và tài chính cũng tăng trưởng cao hơn. Khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hiện tại. Với thủ tục visa thông thoáng hơn từ tháng 2/2017, cơ quan chức năng dự báo lượng khách du lịch vào Việt Nam sẽ đạt 15 triệu vào cuối năm 2017. Doanh thu ngành du lịch sẽ cải thiện hơn nữa khi Việt Nam là nước chủ nhà Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC từ tháng 8 đến tháng 11/2017. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2017, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đạt 10,3 tỉ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm 2017 sản lượng khai khoáng và khai thác dầu giảm 8% làm giảm tăng trưởng 0,6% đã ảnh hưởng tới NSNN, đóng góp vào NSNN từ khu vực này đã giảm từ 15% xuống dưới mức 5% trong năm 2017. ADB dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2017 là 6,3%. Dự báo cho năm 2018 điều chỉnh giảm từ 6,7% xuống 6,5%. “Các báo cáo gần đây cho thấy sản lượng dầu tăng lên. Nếu sản lượng khai khoáng và khai thác dầu phục hồi trong thời gian từ 6-12 tháng tới, tốc độ tăng trưởng có thể vượt mức dự báo này”, ADB dự báo.
Báo cáo nhấn mạnh rằng mặc dù nền kinh tế Việt Nam vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, song vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Báo cáo cho biết, thu ngân sách tăng 18,2% trong sáu tháng đầu năm, đạt tương đương 27,4% GDP. Trong các nội dung thu, thu phi thuế tăng 23,0% từ việc bán tài sản nhà nước bao gồm cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước. Doanh thu thuế tăng 16% nhờ tăng thuế tài nguyên trong năm 2016. Số thu thuế thu nhập cá nhân tăng 20,8% trong sáu tháng đầu năm đi đôi với tăng trưởng việc làm. Trong khi đó, tốc độ tăng chi tiêu chính phủ khiêm tốn hơn, chỉ có 9,% trong sáu tháng đầu năm. Chi thường xuyên tăng 9,2% trong khi chi đầu tư tăng 11,2%.
Theo đánh giá của ADB, những tiến bộ trong cắt giảm chi tiêu giúp giảm bớt áp lực nợ công nhưng kết quả là do giảm chi đầu tư trong khi chi thường xuyên vẫn tăng. Các khoản chi thường xuyên danh nghĩa đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 do tăng chi lương cơ bản cùng với y tế và giáo dục. Chi đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng chi NSNN đã giảm từ 30% trong năm 2011 xuống 16% trong nửa đầu năm 2017. Thay đổi cơ cấu chi ngân sách sẽ có khả năng giảm tính bền vững của tăng trưởng trong dài hạn và hạn chế việc thực hiện các mục tiêu phát triển.
Để những cải cách tài khóa của Việt Nam không ảnh hưởng tới tăng trưởng, các cơ quan chức năng có thể cần tập trung một cách hiệu quả vào việc áp dụng các biện pháp bổ sung để tăng nguồn thu từ thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu công không thiết yếu như chi phí hành chính, vốn đang lấn át khoản chi phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.
Rủi ro thứ hai, chính sách tiền tệ đã bắt đầu nới lỏng, sau 3 năm ổn định lãi suất, tháng 7 vừa qua, NHNN đã giảm lãi suất cơ bản. Liên quan đến động thái cắt giảm lãi suất cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có thể làm tăng lạm phát nếu ko kiểm soát tốt sẽ làm rủi ro trong lĩnh vực tài chính.
Lạm phát cơ bản đã tăng mạnh, đạt mức 7% so với cùng kì năm trước vào tháng 8/2017. Hiện nay, giá lương thực đang có xu hướng tăng. Tiếp tục đẩy tín dụng tăng trưởng và giảm lãi suất dẫn đến chất lượng tài sản của các NH làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng. Lĩnh vực cải cách NH vẫn chậm. Trong 7 tháng đầu năm VAMC mới chỉ xử lý được gần 10 nghìn tỷ nợ xấu, trong khi VAMC đã mua được thêm khoảng 16 nghìn tỷ. Như vậy tổng nợ xấu tại VAMC đang tăng thêm 6 nghìn tỷ. Trong 7 tháng đầu năm 2017 không có trường hơp mua bán, sát nhập ngân hàng nào được hoàn tất. NHNN đã tăng cường hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng, tuy nhiên vẫn cần có thêm các biện pháp khác.
Để bảo đảm quản lý tốt những rủi ro này, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay, cũng như tiếp tục đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn theo Hiệp ước Basel II trong vòng 12 – 18 tháng tới.
“Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo ADB đưa ra vào tháng 4. Rủi ro trong nước chính là khả năng chính phủ quyết định kích thích tăng trưởng bằng việc nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ và tài khoá. Nợ công hiện nay đã chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nên kỷ luật ngân sách yếu đi sẽ đe doạ quá trình củng cố tài khoá và bền vững nợ. Tương tự, bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu vốn đã và đang là vấn đề nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng” Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam kết luận.