Thâm Quyến, thành phố từng là một làng chài nghèo khó đang vươn lên về quy mô kinh tế. Đây là sự đảo chiều đã được dự báo trước nhờ nguồn cung lao động giá rẻ và vốn hỗ trợ của Trung Quốc.
Thành phố cách trung tâm Hong Kong chưa tới 30km về phía Bắc dự kiến có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 350 tỷ USD vào năm 2018 và tăng trung bình gần 10% từ năm 2010, theo một phân tích của Sanford C. Bernstein & Co.
Thâm Quyến đã "toả sáng" nhờ nỗ lực đẩy mạnh chuỗi giá trị và không sản xuất hàng rẻ tiền của chính phủ Trung Quốc.
Thâm Quyến được xem là Thung lũng Silicon mới nhờ có hệ sinh thoái hoàn chỉnh cung cấp mọi thứ cần thiết cho các công đoạn sản xuất thiết bị điện tử tại chỗ. Thâm Quyến cũng thành nơi quy tụ nhiều nhà sản xuất công nghệ cao, các công ty khởi nghiệp và cả những nhà đổi mới công nghệ toàn cầu. Các "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc như Huawei, ZTE và Tencent đều "lớn lên" tại thành phố này. Đây là một bước nhảy vọt mà các thành phố khác vẫn còn phải chật vật thực hiện.
Sự phát triển của Thâm Quyến không chỉ làm lợi cho riêng mình, mà còn hỗ trợ Hong Kong cùng phát triển.
"Sự trỗi dậy của Thâm Quyến sẽ làm lợi cho Hong Kong. Đặc khu kinh tế này là một hình mẫu cho nhiều thành phố ven biển của Trung Quốc, bằng việc cung cấp thị trường tự do", Dong Chen - nhà kinh tế châu Á cao cấp tại Pictet Wealth Management nhận định.
Hong Kong giữ vai trò cầu nối giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nguồn tài sản dồi dào tại Trung Quốc và sẽ là chìa khoá trong tương lai. Khi các doanh nhân mở rộng hoạt động kinh doanh tại Thâm Quyến, họ sẽ cần sử dụng các dịch vụ tài chính cao cấp ở Hong Kong, ông nói thêm.
Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính, với vai trò cửa ngõ để thâm nhập vào thị trường trái phiếu Trung Quốc. "Hong Kong tiếp tục hưởng lợi nhờ thân thiết với Trung Quốc và Thâm Quyến cũng được thúc đẩy bởi sự phát triển của các ngành dịch vụ và công nghệ tại quốc gia này", nhà nghiên cứu Parker của Sanford C. Bernstein & Co. khẳng định.
"Hong Kong luôn luôn là trung tâm tài chính và cửa ngõ mà bạn không bao giờ được quên. Nó giống như là London thời hậu Brexit. Rõ ràng Hong Kong sẽ vẫn là một trung tâm tài chính dù không còn được như xưa", Stephen Innes - người đứng đầu mảng thương mại tại châu Á Thái Bình Dương của Oanda Corp chia sẻ.