Thăm Xtaraia Russa - miền thánh địa văn chương

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói rằng, nước Nga là cường quốc của bảo tàng danh nhân. Dường như không một TP nào, một vùng quê nào là không có bảo tàng về các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà văn hóa.

Bảo tàng về Dostoevsky
Trong suốt hơn mười một thế kỷ qua, dù trải qua bao cơn thăng giáng của lịch sử, chiến tranh, bạo loạn, thiên tai, nhưng Nhân dân Nga và các chính thể của nước Nga vẫn bảo tồn được bao nhiêu báu vật từ chân dung, bản thảo, hiện vật gắn bó với tên tuổi của các vĩ nhân. Đối với một người nghiên cứu văn học, cứ mỗi lần đến được với một bảo tàng hay một địa danh nào đó liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn Nga, chúng tôi cảm thấy đó là một niềm hạnh phúc.
 Chân dung Dostoevxki trong bảo tàng.
Mùa Thu năm 2021 này, mặc dù số ca mắc Covid-19 ở Nga tăng đột biến, nhưng vì đã tiêm hai mũi vaccine sputnhik V, hơn nữa, chính quyền không có lệnh cấm đi lại, nên nhóm anh em yêu văn học ở Nga quyết định rời Thủ đô Matxcơva đến thăm Xtaraia Russa, một miền đất trứ danh ở phương Bắc, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà văn Phiodor Mikhailovich Dostoevsky.

Xe chúng tôi chạy chầm chậm một vòng trong thị trấn cổ kính Staraia Russa, tỉnh Novgorod giản dị, khiêm nhường, ghé qua những nhà thờ mái củ hành dát vàng ảo mờ trong màn sương lạnh; ghé qua khu nghỉ dưỡng nước khoáng nằm trong một công viên rộng lớn; đi qua những khu phố có dẫy ngôi nhà gỗ có tuổi trên trăm năm…Và kia rồi, ngôi nhà hai tầng màu xanh, nằm sát bên dòng sông có hàng cây liễu già và bạch dương xao xác, nơi nhà văn Nga Ph. M. Dostoevxky sống trong những năm 1872 đến 1880 đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Dãy hàng rào gỗ bao bọc một khuôn viên không rộng lắm, có cửa mở ra phía bờ sông. Một tấm biển đồng nhỏ, trang trọng ghi dòng chữ: “Ph. M. Doxtoevsky đã sống tại ngôi nhà vào năm 1873 đến 1880. Bảo tàng xếp hạng quốc gia”.

Những kỷ niệm đáng nhớ về nhà văn

Chúng tôi thành kính bước vào khu bảo tàng, nơi gần 150 năm trước đã từng gắn bó với tên tuổi của một trong những cây đại thụ trong khu rừng cổ thụ của nền văn học Nga và thế giới: Ph. M. Doxtoevsky. Cũng như nhiều nhà văn, nhà thơ Nga trong “thế kỷ vàng” và “thế kỷ bạc”, Ph. M. Doxtoevsky có một tuổi thơ và tuổi tráng niên vô cùng dữ dội và nghiệt ngã. Ông sinh vào ngày 30/10/1821 (theo lịch mới là ngày 11/11/1821) tại Matxcơva trên phố Novaya Bozhedomka, cạnh của bệnh viện Mariinsky dành cho trại trẻ mồ côi. Dù không phải chịu đựng khó khăn về vật chất, bởi bố ông là một bác sĩ và mẹ ông là con gái của một thương gia, nhưng con đường lập nghiệp và học hành của ông trải qua bao sóng gió. Ông mồ côi mẹ và bố trước khi bước vào tuổi trưởng thành. Dù say mê văn học, nhưng thoạt tiên, ông bị bố ép vào trường kỹ thuật và sau khi học xong ông sung vào quân ngũ. Nhưng may mắn, Ph. M. Doxtoevxky có một năng khiếu văn học bẩm sinh, biết nhiều ngoại ngữ, đọc rất nhiều sách văn học, nên khi ông rời quân ngũ, ông bắt đầu viết văn. Những tác phẩm đầu tay của ông được giới văn chương nước Nga coi như một hiện tượng, một ngôi sao sáng vừa xuất hiện trên văn đàn, người nối tiếp sự nghiệp của N. Gogol, tác giả của “Những câu chuyện Xanh Peteburg” và “Những linh hồn chết”.

Đặc biệt, khi được tiếp xúc với nhà phê bình nổi tiếng V. Belinxki và được ông đánh giá cao, Ph. M. Doxtoevsky coi đó là niềm khích lệ, là nguồn cảm hứng vô tận. Nhiều năm sau, Ph. M. Dostoevsky nhớ lại những lời của Belinsky dành cho ông: “Sự thật là, anh được công bố với tư cách là một nghệ sĩ. Hãy nhận nó như một món quà, hãy trân trọng nó và anh sẽ là một nhà văn vĩ đại!… Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong toàn bộ cuộc đời tôi. Ông ấy đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh tinh thần”. Do tham gia hoạt động vào một hội kín mang tính chất chính trị Petrashevsky, và nhiều lần đọc “Bức thư của Belinxki gửi Gogol”, một tác phẩm bị cấm, ông bị bắt và đến ngày 13 tháng 11 năm 1849, Ủy ban Tòa án Quân sự đã kết án Ph.M. Dostoevsky, tước tất cả các lợi quyền và "xử tử hình". Nhưng vào ngày 19 tháng 11, bản án tử hình của Ph. M. Dostoevsky đã bị hủy bỏ theo kết luận "do không thống nhất được tội danh" chuyển sang bản án 8 năm lao động khổ sai. Nhưng vào cuối tháng 11, Hoàng đế Nicholas I, khi phê chuẩn bản án ​​dành cho những người theo hội kín Petrashevsky, đã thay thế thời hạn 8 năm lao động khổ sai ở Omxk bằng 4 năm cho Ph. M.Dostoevsky, sau đó làm nghĩa vụ quân sự.

Thời gian đày ải, đối với Ph.M. Dostoevsky là một chặng đường trải nghiệm để hình thành tài năng. Nhưng ông phải chịu đựng bao éo le, cay đắng trong cuộc sống riêng tư. Đồng thời, nó là một bước ngoặt trong cuộc đời của Ph. M. Dostoevsky: Từ một "người tìm kiếm chân lý trong con người", ông đã trở thành một người sùng đạo sâu sắc.

Khi được ân xá, cuộc sống của ông có những thay đổi lớn lao. Bằng các tác phẩm của mình, ông trở nên nổi tiếng, ông lập gia đình, có những chuyến đi ra nước ngoài. Ông hoàn thành bộ "Ngũ kinh vĩ đại" bao gồm các tiểu thuyết: "Tội ác và trừng phạt" (1866), “Chàng ngốc” (1868), "Lũ quỷ" (1871 - 1872), "Thiếu niên" (1875), “Anh em nhà Karamazov” (1879 - 1880). Trong số đó, ba tác phẩm được viết tại ngôi nhà ông thuê ở Xtaraia Russa. Ngôi nhà này vốn là tài sản của một vị trung tá hồi hưu, nhưng cho đến khi chủ nhà mất, Ph.M.Dostoevsky đã tìm cách mua lại, bởi ông và gia đình rất quyến luyến nơi này. Tại đây, vợ của ông - Anna Grigorievna, vốn là cô gái làm văn thư tốc ký đã cùng ông, giúp cho ông quản lý tài chính, chăm lo sức khỏe cho ông, tự tay chép cho ông viết nên những tác phẩm để đời.

Vào đầu năm 1881, sức khỏe của Ph.M.Dostoevxki đã trở nên yếu hẳn. Bác sĩ chẩn đoán ông bị lao phổi, viêm phế quản mãn tính, sự ứ thũng ở phổi có kích thước nhỏ. Ngày 28 tháng 1 năm 1881, Ph.M.Dostoevxki qua đời ở tuổi sáu mươi. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ, những người hâm mộ đã tìm đến căn hộ tiễn biệt nhà văn Nga vĩ đại. Vào ngày 1/2/1881, thi hài Ph.M.Dostoevsky được chôn cất tại nghĩa trang Tikhvin - Alexander Nevsky Lavra ở XanhPeterburg. Các báo thời đó đã viết lại rằng, “những người đưa tang đã khiêng quan tài của ông trên tay, đám đông kéo dài cả dặm”, trong đó có A. I. Palm, O. F. Miller, P. A. Gaideburov, K. N. Bestuzhev-Ryumin, Vl. S. Solovyov, P. V. Bykov, D. I. Kozyrev, Pavlovsky.
***

Theo lệ thường, những du khách được hướng dẫn viên bảo tàng chỉ thuyết trình một tiếng. Nhưng khi biết chúng tôi là người Việt Nam, là đoàn khách Việt Nam đầu tiên đến thăm bảo tàng, lại đúng vào kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Ph.M. Dostoevsky, người hướng dẫn viên, một người có tuổi, rất cảm kích đã dành hơn hai giờ đưa chúng tôi qua từng phòng, giới thiệu tỉ mỉ từng kỷ vật, kể những câu chuyện về nhà văn Nga vĩ đại, những điều mà chúng tôi chưa hề được biết qua sách vở.

Đến với Xtaraia Russa đã khó, nhưng chia tay với mảnh đất này có lẽ còn khó hơn nhiều. Chúng tôi lưu luyến từ giã những chiếc ghế màu xanh trong vườn, chia tay với những căn phòng dường như còn mang hơi ấm của Phiodor Mikhailovich Dostoevsky, chia tay với những trang bản thảo đã ố vàng theo thời gian năm tháng, và tự hỏi, đến bao giờ mới trở lại nơi này.

Xtaraia Russa 9/11/2021

Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, mọi di tích văn hóa của nước Nga đã được xếp hạng, nhất thiết phải có một hệ thống giao thông hoàn hảo. Ở những ngã ba, ngã tư TP, trên các đường chính của TP Xtaraia Rusa, trước các địa điểm công cộng, đều có những bức ảnh, pano về việc chuẩn bị kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.M. Doxtoevsky.