Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thận trọng khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới chương trình (CT), sách...

Kinhtedothi - Chiều 11/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, SGK phải phát huy được tính tích cực, tự giác, tự chủ của giáo viên và học sinh.

Đề nghị Bộ GD&ĐT không biên soạn SGK

Đều tán thành với đề nghị cần phải đổi mới và định hướng một CT, nhiều SGK, nhưng ĐB Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần đồng bộ, có lộ trình từng bước. Đồng thời không đồng tình Bộ GD&ĐT biên soạn SGK, nên tập trung cho công tác quản lý Nhà nước.

 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Thanh (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh:  Duy Linh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Thanh (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Duy Linh
 
Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Về cơ bản, các đại biểu (ĐB) đều nhất trí thông qua dự án luật tại Kỳ họp thứ 8 lần này, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN, giúp sử dụng vốn nhà nước trong các tập đoàn, DN một cách căn cơ hơn. (Trâm Anh)
Cũng đồng tình với quan niệm Bộ không nên tham gia biên soạn SGK, vì sẽ tạo ra định hướng cứng, các trường, phòng sẽ ưu tiên chọn sách của Bộ, ĐB Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) góp ý thêm: Một CT, nhiều SGK, nhưng hiện đang có nhiều sách tham khảo khác từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều bộ không đáp ứng được chất lượng, không đúng thuần phong mỹ tục. Nhưng Bộ cũng không phát hiện được. Hơn nữa, việc để nhà trường, học sinh lựa chọn sách là khó. Biên soạn SGK hết sức quan trọng, cho nên Đề án nên tiếp cận chi tiết.
ĐB Hoàng Đức Thắm (đoàn Quảng Trị) đề nghị cân nhắc về số bộ SGK được thẩm định sao cho vừa đủ, tránh nhiều, không cần thiết, gây lãng phí. Cùng với đó, việc thực nghiệm CT mới song song với tổ chức biên soạn tài liệu là phù hợp, khắc phục được cách làm trước đây là soạn xong tài liệu rồi mới thực nghiệm giảng dạy nên có trường hợp sách biên soạn xong bị sai, lại phải điều chỉnh, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả.
Kế thừa hay thay toàn bộ?

Nhiều ĐB cho rằng, cũng nên xem xét thay toàn bộ CT, SGK hay chỉ thay những gì chưa phù hợp, đã lạc hậu, còn những gì đang tốt thì phải giữ, phát huy. ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) lưu ý: Đây là đề án hệ trọng, liên quan đến hàng chục triệu học sinh, phụ huynh. Kết quả đổi mới sẽ tác động thế nào đối với đất nước, với nền giáo dục, cần làm rõ điều này. Đổi mới phải có kế thừa, nhưng đề án không thể hiện tính kế thừa, gần như làm mới hoàn toàn. ĐB Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng: Việc thay đổi là cần thiết để đảm bảo yêu cầu trang bị kiến thức tốt hơn. Nhưng chương trình phải có tính liên tục từ cấp học nhỏ nhất đến cao nhất và đảm bảo phát triển về trí tuệ, kiến thức khoa học cơ bản để học sinh có thể trở thành một công dân tốt ngoài xã hội. "Chúng ta không sợ tốn kém, không nên vì lý do ngân sách mà khắt khe với giáo dục để rồi cho ra đời những sản phẩm không đủ chất lượng, vì đổi mới giáo dục mang lại giá trị cho cả một thế hệ" - ĐB nêu ý kiến.

ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) thì lưu ý: Để đáp ứng yêu cầu bộ SGK chuẩn, phải đảm bảo tính truyền thống cách mạng, dân tộc, lịch sử. SGK phải tạo điều kiện để học sinh phải tôn trọng thầy giáo. Đồng thời, phải đảm bảo tính tự giác, tự chủ của giáo viên và học sinh để học và có thể vận dụng vào thực tiễn ngay sau khi ra trường.

Dẫn chứng thực tế đáng báo động về trình trạng học sinh phải đeo kính, nhiễm mỡ máu do học nhiều, ngồi nhiều, không có thời gian vui chơi, tập thể thao…, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng: Mục tiêu giáo dục là phải biến học sinh thành những người khỏe mạnh, có trí tuệ, chủ động, năng động, tự tin vào cuộc sống. Thực trạng bắt trẻ em học quá nhiều dẫn đến chuyện thầy dạy thêm, trò học thêm, phát sinh các vấn đề kinh tế, tạo ra các quan hệ không thật vui vẻ mặc dù trong rất nhiều trường hợp phụ huynh tự nguyện ký cam kết học thêm...

Các ĐB cũng đề nghị phải có cơ chế để quy tụ các chuyên gia biên soạn SGK giỏi. Phải có kế hoạch để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện CT, SGK mới thì mới có hiệu quả. Đồng thời, làm rõ một số vấn đề như đổi mới kết cấu và dung lượng giữa CT cứng và CT mềm, đổi mới phương pháp biên soạn, giảng dạy…

Đề án Đổi mới CT, SGK sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào ngày 20/11 tới.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ĐB đặt câu hỏi tại sao một Luật về hình thức làm văn bản mà đến 3 khóa Quốc hội đều đưa ra bàn và lại thay đổi liên tục. Phải chăng, làm hệ thống pháp luật đang được xây dựng không có quy trình khoa học nào. Vì vậy, cách phân công các bộ, ngành trong trình dự án luật phải tính lại. Như vậy mới khắc phục những "lỗi" trong ban hành văn bản pháp luật hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định lại chức năng, thẩm quyền của chính quyền cấp huyện, xã để quy định họ được ban hành văn bản loại gì, quy phạm pháp luật hay văn bản hành chính...