Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thận trọng với nước “tinh khiết”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù mới bước vào đầu hè song nhu cầu tiêu dùng nước tinh khiết đóng chai, đóng bình trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu tăng nhanh.

KTĐT - Dù mới bước vào đầu hè song nhu cầu tiêu dùng nước tinh khiết đóng chai, đóng bình trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu tăng nhanh. Việc đảm bảo và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với mặt hàng này vẫn luôn là vấn đề nóng, khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại.

Dễ như sản xuất nước “tinh khiết”

Chúng tôi tìm tới cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình nhãn hiệu Nesk… nằm trên đường 70, thuộc địa phận huyện Thanh Trì, Hà Nội, chỉ cách nghĩa trang Văn Điển chừng hơn 1km. Đây là cơ sở đã từng bị cơ quan chức năng của thành phố nhắc nhở năm trước, thế nhưng khi chúng tôi có mặt tại đây, vấn đề khắc phục vệ sinh của cơ sở này vẫn không biến chuyển. Toàn bộ xưởng sản xuất chỉ là căn nhà cấp bốn rộng chừng hơn 15m2. Máy móc, thiết bị sản xuất nước, vỏ bình và rất nhiều phụ kiện khác đều được đặt trong căn nhà ẩm thấp đó. Chủ cơ sở sản xuất cho biết, sản phẩm nước tinh khiết Nesk… do cơ sở sản xuất vẫn bán cho các đại lý với giá 10.000đồng/bình 19,8 lít và khi đến tay người tiêu dùng là 15.000 - 20.000đồng/bình.

Qua quan sát, xưởng sản xuất lênh láng nước, nhớp nháp. Hai nhân viên sản xuất đang làm việc tại đây đều không sử dụng găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ… Phía bên ngoài chất đống các vỏ bình đã qua sử dụng được thu hồi.

Một cán bộ trong ngành y tế Hà Nội cho biết, các cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng bình nhỏ lẻ, hộ gia đình đang gia tăng rất nhanh do việc đầu tư cho lĩnh vực sản xuất này không quá nhiều, trong khi lãi suất lại rất lớn. Bình thường, một xưởng sản xuất chỉ cần đầu tư hệ thống dây chuyền đồng bộ vào khoảng 250-300 triệu đồng là có thể sản xuất nước tinh khiết, thậm chí chỉ cần khoảng vài chục triệu đồng cũng có thể đầu tư được dây chuyền sản xuất các loại sản phẩm này. Chất lượng sản phẩm tùy thuộc vào quy trình và công nghệ sản xuất.

Tự bảo vệ mình

Trong buổi kiểm tra liên ngành ATVSTP của thành phố Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang quản lý 380 cơ sở sản xuất nước tinh khiết có đăng ký kinh doanh. Với các cơ sở này, ngoài việc kiểm tra các tiêu chuẩn về yếu tố hóa, lý, vi sinh thì Sở Y tế cũng chỉ đạo cơ quan chức năng ở các địa phương thường xuyên thực hiện công tác hậu kiểm để đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn đã đăng ký. Dù vậy, với các cơ sở không do Sở Y tế cấp phép hoặc hoạt động chui thì việc quản lý chất lượng, VSATTP rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương cũng như sự giám sát của cả cộng đồng.

Cũng theo ông Cường, để đảm bảo VSATTP với các mặt hàng này, bắt đầu từ tháng tới Sở Y tế sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh nước tinh khiết đóng chai, bình, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất. Trong đợt kiểm tra cao điểm vào mùa hè năm trước, Sở Y tế đã từng phát hiện nhiều mẫu nước tinh khiết đóng bình bị nhiễm colifom vượt ngưỡng cho phép, tạm đình chỉ hoạt động và phạt tiền nhiều cơ sở sản xuất. Tương tự, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, vào mùa hè, Sở Y tế sẽ mở đợt cao điểm của các hoạt động kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất nước tinh khiết cũng như kiểm tra VSATTP đối với các cơ sở sản xuất nước đá, đá cây.

Hiện tại, ngoài những nhãn hiệu quen thuộc và đã tạo được uy tín trên thị trường như La Vie, Aquafina, Sapuwa… thì hàng loạt các sản phẩm mới ra đời như: Frevo, Ankavia, Fresh, Aquabeta, Bonaqua, Panona, Icewa, Fujice, Valentin … vẫn cần có thời gian để khẳng định chất lượng cũng như sự đánh giá lâu dài của người tiêu dùng. Do đó, tốt nhất là người dân nên chọn lựa sử dụng những sản phẩm có tem nhãn rõ ràng với đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, về hàm lượng các yếu tố hóa, lý, vi sinh trong sản phẩm, ngày sản xuất và hạn dùng... Không sử dụng những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác rõ ràng.