Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội

NSNA An Khang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm là dịp du khách thập phương hội tụ về đây lễ Phật, vãn cảnh, thưởng thức các hình thức diễn xướng mang đậm sắc màu truyền thống.

  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 1  Chùa Thầy là một quần thể kiến trúc, gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, gác Chuông, gác Trống, chùa Cao, chùa Một Mái, chùa Long Đẩu, đền Thượng, đền Quán Thánh, đền Văn Xương, quán Hoàng Xá… Các công trình kiến trúc này tọa lạc trên thế đất thiêng, dân gian gọi là khu đất “hàm rồng”. Sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai cầu Nhật – Nguyệt được ví như hai râu rồng, nhà thủy đình trên hồ Long Trì là “viên ngọc” mà rồng vờn. Năm xưa, chúa Trịnh Căn đã phác họa trong bài ký ghi trên vách núi, rằng chùa Thầy “như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa”. 
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 2  Vì thế, có thể khẳng định so với các ngôi chùa vùng Đồng bằng Bắc bộ, chùa Thầy có nhiều điểm khác biệt. Chùa không có nghi môn, tam quan, vừa thờ Phật theo Mật Tông, vừa thờ thánh. Đức thánh được thờ ở chùa Thầy là Thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị cao tăng thời Lý (thế kỷ XI). Theo các tư liệu lịch sử, chùa Thầy được xây dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), ban đầu là một am nhỏ (am Hương Ngải) trong động đá núi Sài. Khi Từ Đạo Hạnh về tu luyện, ông mở rộng am và đúc chuông. Từ đó đến nay, chùa Thầy trải qua nhiều lần trùng tu lớn, nhưng vẫn giữ được không gian cổ kính và kiến trúc độc đáo có một không hai. 
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 3  Chùa Hạ (tiền đường) và chùa Trung (thượng điện) kết nối với nhau bởi nhà Cầu, tạo thành không gian thống nhất, liên hoàn, có mặt bằng chữ công làm nơi thờ Phật. Mọi kết cấu vì kèo, hàng cột và nghệ thuật chạm khắc của 3 dãy nhà hài hòa với nhau, khiến du khách cảm nhận rõ quang cảnh vừa linh thiêng, vừa gần gũi, từ bi của Phật giáo. Chùa Thượng (điện thánh) cách chùa Trung một dải sân hẹp mang tính chất thiên tỉnh (giếng trời) để lấy ánh sáng đưa thiên nhiên, cây cỏ vào bên trong. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, chùa Thượng ở chùa Thầy có ý nghĩa như hậu cung và hậu cung này ra đời sớm nhất nước ta. Chùa Một Mái, chỉ có một mái tựa vào vách núi kiểu chồng diêm. Hệ thống tượng phật đặt trực tiếp ở các bệ trên sườn núi mang lại cảnh sắc riêng có ở chùa Thầy.
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 4  Chùa Thầy không chỉ là di tích nổi tiếng, mà còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần về thăm và làm việc. Theo lịch sử Đảng bộ xã Sài Sơn ghi lại, từ năm 1944, Sài Sơn được chọn làm ATK của Xứ ủy Bắc kỳ và là nơi làm việc của cơ quan Báo Cứu quốc. Ngày 10-11-1946, Bác Hồ về thăm Sài Sơn và căn dặn cán bộ, động viên nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, bảo vệ tốt di tích quê hương. 
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 5  Đặc biệt, từ ngày 3-2-1947 đến 2-3-1947, Bác Hồ đã về ở và làm việc tại chùa Một Mái, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược vừa bùng nổ ở Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn này. Nhân dịp hội chùa Thầy năm 1941, Xứ ủy Bắc kỳ đã tổ chức một cuộc đấu tranh tuyên truyền gây thanh thế cho cách mạng. Chi bộ Sài Sơn tổ chức thắng lợi nhiệm vụ rải truyền đơn trên các ngả đường có đông người trẩy hội và treo cờ Đảng trên đỉnh núi Thầy.
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 6   Nói về tiến độ xây dựng hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quốc Oai cho biết, đến thời điểm này việc xây dựng hồ sơ đã hoàn tất, đang từng bước trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt. Cũng theo ông Hán, huyện Quốc Oai đã có chủ trương di dời một số nhà dân ven hồ Long Trì, phía sườn núi, tạo không gian, cảnh quan thoáng đãng cho di tích.
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 7  Lễ hội truyền thống chùa Thầy được tổ chức tại chùa Thầy từ ngày mùng 5 đến 8 tháng 3 âm lịch (chính hội ngày 7-3) hằng năm, gồm những nghi lễ độc đáo, như: Tắm tượng (mộc dục), lễ nghinh bài vị Đức thánh Từ Đạo Hạnh từ chùa Thượng xuống chùa Trung, lễ cúng yên vị, lễ tế, lễ rước… 
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 8   Trong những ngày lễ hội, người dân địa phương và du khách còn được xem biểu diễn múa rối nước và nhiều trò chơi dân gian độc đáo, sôi động. Lễ hội chùa Thầy diễn ra trong không gian thiêng, song những năm gần đây, không ít du khách đến lễ hội cảm thấy phiền lòng vì không gian di tích, lễ hội thiếu văn minh, lịch sự, hàng quán lộn xộn bủa vây di tích, rác vương đầy lối đi, gửi xe bị “chém đẹp”, vào trong hang thì bị ép mua cành lộc lấy may… 
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 9  Nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, huyện Quốc Oai đã phối hợp với xã Sài Sơn lắp đặt hệ thống camera quan sát trong khu vực chùa Thầy, có người trực thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý những tình huống xấu phát sinh; đồng thời lắp đặt hệ thống bảng, biển, sơ đồ hướng dẫn tham quan di tích, công khai số điện thoại đường dây nóng của BTC. 
  • Tháng ba trẩy hội chùa Thầy, Hà Nội - Ảnh 10  Bên cạnh đó, xã đã quy hoạch lại hệ thống hàng quán, dịch vụ trong khu vực di tích, yêu cầu bán hàng đúng giá, nghiêm cấm bán hàng trong sân chùa. Với mục đích đưa chùa Thầy và Lễ hội chùa Thầy thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh thân thiện, hấp dẫn du khách, xã Sài Sơn đã thành lập CLB Môi trường chùa Thầy, gồm 80 thành viên ở mọi lứa tuổi, tham gia làm vệ sinh môi trường vào thứ sáu hằng tuần… Xã Sài Sơn cũng đã đưa 40 người đi học múa rối nước để có thể biểu diễn múa rối thường xuyên phục vụ du khách tại thủy đình trên hồ Long Trì.