Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành công trong kỹ thuật ghép phổi: Tiếp lửa sự sống

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dân gian thường quan niệm tháng Giêng là khởi đầu của một năm, khởi đầu có hanh thông, suôn sẻ thì năm ấy mới thuận lợi, tốt tươi.

Và tháng Giêng năm nay, em bé Lý Chương Bình - bệnh nhân ca ghép phổi của Bệnh viện Quân y 103 đã được các bác sĩ chắp cánh cho một khởi đầu mới, thoát khỏi những tháng ngày ốm đau bệnh tật. Khởi đầu ấy cũng tiếp thêm hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.

10 giờ phẫu thuật căng thẳng

Trước đó, ngày 21/2, bệnh nhân Lý Chương Bình (7 tuổi, Hà Giang) bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp đã được ghép cả 2 lá phổi từ người hiến là bố và bác ruột. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra trong 10 tiếng đồng hồ ngày 21/2, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cháu đang phục hồi tốt.

Các thầy thuốc của Bệnh viện Quân y 103 và chuyên gia Nhật thực hiện ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Thu Phương

Nhớ lại những ngày tháng ốm đau bệnh tật của con, chị Phàn Thị Tâm - mẹ bé Bình chia sẻ “Khi mới 2 tháng tuổi Bình đã có những biểu hiện không tốt về sức khỏe và bắt đầu ốm nặng hơn. Nhưng vì gia đình khó khăn, lại suy nghĩ nông cạn trẻ sơ sinh ốm đau quặt quẹo là chuyện bình thường nên 3 tuổi mới đưa con đi viện khám và phát hiện cháu bị viêm phổi, suy hô hấp. Điều trị cả tuần không khỏi, vợ chồng mình lại tất tả hái thuốc Nam cho con uống nhưng bé vẫn ốm đau triền miên. Khổ nhất là vào mùa Đông, thời tiết lạnh giá khiến cho bệnh suy hô hấp càng hành hạ cháu. Đến năm 2016, con ốm nặng hơn mà đi viện trên tỉnh hơn 2 tuần điều trị, bệnh lại tái phát. Sau đó, cháu được chuyển lên BV Nhi T.Ư rồi xuống BV Quân y 103. Nằm viện một tháng, bệnh tình vẫn không tiến triển, bác sĩ yêu cầu con phải ghép phổi”.

Nghe đến ghép nội tạng, con lại mới 7 tuổi ốm yếu, anh chị càng thêm hoang mang, không biết liệu rằng ca phẫu thuật có thành công, rồi sẽ lấy phổi của ai để cấy ghép. Bao câu hỏi, lo sợ cứ bủa vây đôi vợ chồng trẻ. Rất may, anh Ly Cù Toàn (30 tuổi) là bác ruột bé Bình đã tự nguyện hiến để cứu sống cháu. Thế nhưng, không chỉ gia đình cháu lo lắng mà các bác sĩ – ê kíp thực hiện ca ghép tạng cho cháu Bình cũng rất trăn trở.

TS Hoàng Văn Chương - Bộ môn Khoa Gây mê, BV Quân y 103, Học viện Quân y, người trực tiếp có mặt trong kíp mổ của cháu Bình cho biết, ca ghép phổi của cháu Bình là "trận đánh" thứ 5 của các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103. Năm 1992, lần đầu tiên ghép thận, tới năm 2004 là ghép gan, năm 2010 ghép tim, năm 2014 ghép tụy thận và tới nay lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi.

"Chúng tôi đã trải qua nhiều ca ghép nhưng cuộc ghép phổi này khá đặc biệt. Đặc biệt bởi ca này có tới 2 người cho trong khi các ca khác chỉ cần một người" - bác sĩ Chương nói. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho còn sống. Việc còn nhỏ lại mắc bệnh từ khi sơ sinh, ngoài viêm phổi, Bình đang có dấu hiệu suy tim nhẹ. Nếu không tiến hành cấy ghép nội tạng, cháu khó có cơ hội sống sót nhưng rủi ro của ca ghép tạng với bệnh nhân nhỏ tuổi cũng là đòn “cân não” với đội ngũ y bác sĩ.

Ca mổ kéo dài đến 10 tiếng nhưng không y, bác sĩ nào thấy mệt mỏi. Nỗ lực cứu sống em nhỏ đã khiến họ vượt qua rất nhiều khó khăn cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn cơ sở vật chất. Ngay sau khi bước ra từ phòng phẫu thuật, chứng kiến sự thành công của mình, cả ê kíp cùng các cộng sự người Nhật Bản đã vỡ òa hạnh phúc, ôm chặt lấy nhau. Đây chính là món quà tặng vô giá đánh dấu những thành công của kỹ thuật ghép nội tạng tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y trong những ngày cận kề Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Bước tiến vượt bậc của kỹ thuật ghép nội tạng

GS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết, ghép phổi là một trong những cuộc ghép rất khó, không giống các tạng khác. Một trong những điều quan trọng với thành công của ca ghép là chọn phổi khỏe để ghép. Rất may trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ đã cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả 2 lá phổi cho trẻ.

Ca ghép lần này thuộc Đề tài Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phần phổi từ người cho sống và người cho chết não. Để chuẩn bị cho ca ghép phổi lần đầu tiên thành công cũng là một hành trình nhọc nhằn của các y, bác sĩ. Học viện Quân y đã cử cán bộ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama; đồng thời phối hợp với các bệnh viện trong cả nước chọn bệnh nhân có chỉ định phổi phù hợp. Cháu bé 7 tuổi ở Hà Giang có các chỉ số ghép phù hợp nên được Học viện Quân y cùng Bệnh viện Nhi T.Ư lựa chọn. Các bác sĩ phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn, vận động gia đình thực hiện ghép phổi cho bé.

Đánh giá về thành công của ca ghép nội tạng lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103. Nhờ đó đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới. Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.

Với 17 trung tâm ghép tạng trên cả nước, 25 năm qua, Việt Nam đã thực hiện được hơn 1.000 ca ghép thận, 68 ca ghép gan, 15 ca ghép tim… Con số này chứng tỏ ngành ghép tạng của nước ta so với thế giới không thua kém gì. Ngành y tế cả nước đang đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, không để người dân phải vượt tuyến hoặc ra nước ngoài điều trị.

Tuy nhiên, nhu cầu ghép nội tạng ở Việt Nam còn rất lớn, ngày ngày vẫn có hàng nghìn bệnh nhân mong mỏi chờ được phẫu thuật, trong khi đó nguồn tạng để ghép lại như “nắng hạn chờ mưa”. Vì những lý do khác nhau, trong đó có vấn đề tâm linh, nhiều trường hợp chết não đã không được gia đình đồng ý hiến tặng, người nhà bệnh nhân chưa tin tưởng vào việc cấy ghép các bộ phận cơ thể từ người sống... Thách thức này cũng là sự trăn trở của lãnh đạo Bộ Y tế và đội ngũ y bác sĩ.

Tri ân các lương y đóng góp lớn cho y học cổ truyền

Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2017), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đến thăm và tri ân lương y Thiên Tích (tên thật là Nguyễn Đình Tích, gần 100 tuổi) và lương y Nguyễn Văn Bách (93 tuổi). Đây là 2 trong số 28 vị lương y đầu tiên đã trúng tuyển vào làm giảng viên lớp Đông y của Viện Y học cổ truyền T.Ư, nay là Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư.

Hai vị lương y đã có công dịch ra tiếng Việt bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa và ngoại khoa, sản phụ khoa, khoa nhi, cấp cứu, đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh… Đặc biệt, lương y Thiên Tích còn có công dịch ra tiếng Việt tác phẩm Kim quỹ yếu lược và Thương hàn luận là bộ sách về bệnh học và lý luận rất quan trọng trong Đông y. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam từ năm 1990 - 2001, sau đó được suy tôn là Chủ tịch danh dự năm 2001 - 2005. Ông tinh thông 4 môn Nho – Y – Lý – Số. Lương y Thiên Tích y giỏi về y lý, uyên bác về Đông y và luôn tâm niệm “lấy đức làm lãi”, “làm nghề thuốc phải có cái tâm trong sáng, không vụ lợi và hết lòng với người bệnh, việc chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân là trách nhiệm của người thầy thuốc”.

Còn ông Nguyễn Văn Bách không chỉ là một lương y, mà còn là một thư pháp gia nổi tiếng. Tuy tuổi tác đã cao và sức khỏe đã phần nào hao hụt, nhưng với ông, công việc cứu người, không chỉ đơn giản chỉ là cứu phần “xác” mà còn phải cứu cả phần “hồn”... Ông là người tinh thông Hán học, đã nghiên cứu và dịch thuật rất nhiều sách quý bằng chữ Hán. Nhưng cuốn sách có tiếng vang lớn nhất mang tên “Thuốc hay đảm” (những bài thuốc Nam hay), đã tái bản hàng chục lần, gồm những bài thuốc được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian hàng thế kỷ, mà tuyệt kỹ của ông là chữa bệnh vôi hóa cột sống. Đối với ông, y học bao hàm cả triết học, thuyết lý âm dương, ngũ hành, tất cả được vận dụng vào thực tiễn. (Đức Vân)