Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành lập Trung tâm cảnh báo sớm thảm họa trong xây dựng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, đã xảy ra việc xây dựng các công trình không những kém về chất lượng mà còn gây tổn thất kinh tế và hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người.

KTĐT - Thời gian qua, đã xảy ra việc xây dựng các công trình không những kém về chất lượng mà còn gây tổn thất kinh tế và hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người. 

Điển hình là sự cố Rạp chiếu bóng Nguyễn Trãi (Hà Tây), kho Cảng Thị Vải, Hầm chui Văn Thánh, Trung tâm thương mại Phú Mỹ Hưng nứt đốt hầm dìm, Đập cửa Đạt (Thanh Hóa), 2 nhịp neo cầu Cần Thơ, Đường hầm Thủ Thiêm (TP HCM), Mỏ Đá DIII Thủy điện Bản vẽ (Nghệ An)...

Sáng ngày 26/9/2007, đầu giờ làm việc, hai nhịp dẫn của cầu Cần Thơ sụp đổ, làm 54 người chết và 80 người bị thương. Thảm họa này đã dẫn đến việc phải dừng thi công, làm chậm thời gian hoàn thành công trình khoảng 1 năm. Tổng thiệt hại lên tới vài trăm tỷ đồng.

Đây là thảm họa lớn nhất và có lẽ duy nhất trong lịch sử ngành xây dựng VN. Thảm họa này xảy ra không thể tưởng tượng được bởi lẽ trong số liên danh xây dựng có tới 2 nhà thầu lớn nhất Nhật Bản, lại nằm trong tốp 20 nhà thầu của thế giới.

Tại buổi Hội thảo khoa học toàn quốc "Sự cố và phòng ngừa sự cố công trình xây dựng" diễn ra ngày 10/12, ông Trần Đình Tuấn, Ban QHQT - Tổng Hội Xây dựng VN cho biết, nếu trước đó chúng ta đã có bộ phận nghiên cứu cảnh báo thảm hoạ chuyên nghiệp thì có khả năng thảm hoạ này đã được nhận dạng sớm, ít nhiều cũng giảm thiểu được sự thiệt hại về tính mạng của hàng chục kỹ sư và công nhân xây dựng.

Trong xây dựng, thảm hoạ chỉ có thể xảy ra khi quy tụ nhiều yếu tố bất lợi. Nếu nhận diện được các yếu tố này một cách hệ thống và kịp thời thảm hoạ sẽ được cảnh báo sớm, giảm thiểu được thiệt hại.

Vì vậy, Theo KS. Trần Đình Tuấn, Ban QHQT - Tổng Hội Xây dựng VN, việc nên làm ngay là tổ chức một trung tâm nghiên cứu cảnh báo sớm thảm họa trong xây dựng tại Hà Nội.

Trung tâm này sẽ theo dõi biến động năng lực nhà thấy xây dựng nước ngoài (khoảng 200 nhà thầu), từ đó sẽ phát ra những cảnh báo thích hợp cho các công trình xây dựng trong nước đang có mặt các nhà thầu nước ngoài.

"Việc thành lập trung tâm này có hiệu quả rất thiết thực. Giả sử từ bây giờ mỗi năm chúng ta bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng VN để duy trì hoạt động của trung tâm. Như vậy, trong 100 năm tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng VN. Trong thời gian đó, trung tâm nỗ lực hoạt động, cảnh báo sớm và ngăn chặn được 2 thảm hoạ thì hiệu quả sẽ mang lại đến hàng trăm tỷ đồng, gấp nhiều lần kinh phí bỏ ra" - ông Tuấn nói.

Theo Khoản 29 Điều 3 Luật Xây dựng, sự cố công trình là hư hỏng vượt qua giới hạn an toàn cho phép làm cho công trình có nguy cơ sụp đổ; đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ công trình; hoặc công trình không sử dụng theo thiết kế.

Nhưng trên thực tế, các quy định pháp luật của Việt Nam chưa rõ định lượng thế nào là sự cố? Ở trung Quốc họ quy định tổn thất kinh tế trên 5.000  nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng Việt Nam) được coi là sự cố.